Xuất khẩu cao su cả năm 2024 dự báo sẽ đạt khoảng 3-3,5 tỷ USD
8 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su mang về hơn 1,7 tỷ USD. Điểm sáng của xuất khẩu cao su năm nay là giá xuất khẩu tăng cao, tạo tiền đề để ngành cao su hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 3 - 3,5 tỷ USD, tương đương tăng 200 - 400 triệu USD so với năm 2023.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su trong tháng 8/2024 đạt khoảng 209.726 tấn, trị giá gần 345 triệu USD, tăng 12,7% về lượng và tăng 12,0% về trị giá so với tháng 7/2024.
Giá bình quân xuất khẩu cao su ở mức 1.637 USD/tấn, giảm khoảng 1,1% so với tháng 7/2024, nhưng tăng khoảng 26,8% so với tháng 8/2023.
Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,12 triệu tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, giảm 7,2% về lượng, nhưng tăng 8,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, xuất khẩu cao su cả năm 2024 được dự báo sẽ đạt khoảng 3 - 3,5 tỷ USD, tương đương tăng 200 - 400 triệu USD so với năm 2023.
7 tháng năm 2024, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR CV50, SVR 20...
Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất; chiếm 55,31% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước; với 504,8 nghìn tấn, trị giá 781,18 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường tiêu thụ cao su, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm, nhưng bù lại các thị trường khác lại tăng rất mạnh.
Cụ thể, trong tháng 7/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 127.664 tấn, trị giá 206,73 triệu USD, giảm mạnh 27,2% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp xuất khẩu cao su sang thị trường này giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chỉ đạt 617.033 tấn, trị giá 924,63 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn khác là Ấn Độ và Hàn Quốc tăng trưởng lần lượt là 19,9% và 5,8% trong 7 tháng năm 2024, đạt 74.277 tấn và 27.793 tấn, chiếm 8,1% và 3% thị phần xuất khẩu.
Mới đây, Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu năm 2024 lên mức 15,74 triệu tấn; đồng thời điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống 14,5 triệu tấn.
Thị trường cao su toàn cầu dự báo thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay, cao hơn mức 1,12 triệu tấn mà hiệp hội này dự báo vào tháng 5/2024. ANRPC cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt vào khoảng 600.000 - 800.000 tấn/năm.
Tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, đặc biệt là tình trạng thu hẹp sản xuất tại các quốc gia xuất khẩu chính, trong đó có Việt Nam, khiến giá cao su thế giới và nội địa tăng từ đầu năm đến nay. Sự chuyển pha thời tiết giữa El Nino và La Nina đã tác động xấu đến mùa vụ. Trong thời gian tới, giá cao su được dự báo sẽ ở mức cao bởi nhu cầu phục vụ ngành sản xuất săm lốp phục hồi.
Huyền My (t/h)Trong báo cáo vừa công bố, tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế FTSE Russell chưa nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổ chức xếp hạng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tiêu chí nếu muốn đạt mục tiêu nâng hạng vào năm 2025.