Xuất khẩu cao su của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng

Đầu tư và Tiếp thị
10:19 AM 04/06/2021

Trước biến động của thị trường thế giới, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, tháng 5/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 80 nghìn tấn, trị giá 139 triệu USD, tăng 26,1% về lượng và tăng 7,2% về trị giá so với tháng 4/2021; so với tháng 5/2020 tăng 7,2% về lượng và tăng 54,9% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.738 USD/tấn, giảm 2,2% so với tháng 4/2021, nhưng tăng 44,6% so với tháng 5/2020. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su ước đạt 548 nghìn tấn, trị giá 923 triệu USD, tăng 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường hồi phục, triển vọng ngành cao su xuất khẩu Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều đạt được tăng trưởng khá so với so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, một số chủng loại như Latex, RSS1, cao su tổng hợp, SVR 10, RSS3, SVR 3L… đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 60,89% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 285,09 nghìn tấn, trị giá 459,18 triệu USD, tăng 87,1% về lượng và tăng 116,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), tháng 4/2021, sản lượng cao su tự nhiên thế giới chỉ đạt 903 nghìn tấn, trong khi nhu cầu lên tới gần 1,13 triệu tấn. Nguồn cung cao su toàn cầu chuyển sang thiếu hụt do Trung Quốc tăng cường mua vào. Ngành sản xuất ô tô Hoa Kỳ hồi phục tích cực cũng góp phần làm cho thị trường thêm sôi động.

Đại dịch COVID-19 bùng phát ở châu Á khiến cho việc thu hoạch mủ gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu nhân lực, gây khan hiếm nguồn cung. Tại Ấn Độ, nước tiêu thụ cao su lớn thứ 2 thế giới và là nước sản xuất cao su lớn thứ 6 thế giới, đang phải đối mặt với khủng khoảng COVID-19.  Còn tại Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới, làn sóng tái bùng phát dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp khi tổng số ca mắc tính đến nay đã nhiều gấp 4 lần so với đầu tháng 4/2021.

Trước biến động của thị trường thế giới, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong thời gian tới có nhiều cơ hội mới và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đối với Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ cao su của thị trường này được dự báo phục hồi nhờ sản xuất tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh khi ngành công nghiệp ô tô được dự báo sẽ hồi phục từ quý II/2021.

Với thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 10. Trong quý I/2021, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu cao su từ Việt Nam. Dự báo trong tháng tới, nhu cầu nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ có thể sẽ có những chuyển biến tích cực khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế mới sẽ giúp nền kinh tế hồi phục; thị trường cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu mủ tự nhiên của các nhà máy tăng mạnh do nhu cầu sử dụng thiết bị y tế tăng cao trong đại dịch. Có thể nói đây là một cơ hội lớn đối với những doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường này. 

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.