Xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 9,28 triệu USD
Cau trở thành mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 13 của Việt Nam trong 8 tháng qua; đứng trên cả hạt hạnh nhân, quả vải, macca và chôm chôm.
Theo báo cáo tổng hợp từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), trong tháng 8/2024, xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 9,28 triệu USD, tăng 1.240% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng của năm 2024 đạt 21,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 51,3%. Cau trở thành mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 13 của Việt Nam trong 8 tháng qua; đứng trên cả hạt hạnh nhân, quả vải, macca và chôm chôm.
Ở chiều ngược lại, thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, do nguồn cung hạn chế nên Việt Nam cũng tăng nhập khẩu cau. Trong tháng 8/2024, nhập khẩu cau đạt gần 3,3 triệu USD, tăng 223% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2024 các thương nhân và doanh nghiệp đã chi ra gần 9 triệu USD để nhập khẩu cau (tương đương 225 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu cau tăng vọt 324%.
Với con số trên, cau đứng thứ 15 và chiếm 0,78% giá trị nhập khẩu nhóm quả và hạch quả nhập khẩu về Việt Nam trong 8 tháng năm nay, tăng 0,37 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Tridge, công ty hàng đầu của Hàn Quốc về phân tích dữ liệu ngành nông nghiệp và thực phẩm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cau chính của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu tổng giá trị 5,13 triệu USD (hơn 130 tỷ đồng) sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, sản lượng cau tại đảo Hải Nam của Trung Quốc năm nay đã giảm mạnh do dịch bệnh và bão, dẫn đến việc nước này tăng cường nhập khẩu cau từ Việt Nam. Giá cau tại Trung Quốc đã đạt đỉnh 270.000 đồng/kg vào giữa tháng 10, nhưng đã hạ nhiệt xuống còn 220.000 đồng/kg vào ngày 25/10.
Trong những năm qua, ở Việt Nam, cây cau trở thành cây trồng cho thu nhập khá cao tại Tây Nguyên cũng như một số địa phương khác trong cả nước. Một số vựa thu mua cau cũng đầu tư chuyển từ chế biến thủ công sang máy móc hiện đại, công suất lớn.
Cau được sử dụng như một vị thuốc quý. Trong Đông y, cau là vị thuốc để chữa một số bệnh liên quan đến hệ tiêu hoá, ngăn ngừa thiếu máu, chữa dị ứng ngoài da, chống viêm họng và giữ ấm cơ thể...
Ngoài ra, cau non còn được sử dụng để sản xuất kẹo và là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn. Loại kẹo cau rất phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là vùng lạnh nhờ có công dụng chống viêm họng và giữ ấm cơ thể.
Việc giá cau non tăng khiến nông dân "đổ xô" trồng xen vườn dừa, tuy nhiên theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), cau chưa phải là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc. Hiện tại, sản phẩm mới chỉ xuất khẩu qua Trung Quốc theo hình thức trao đổi giữa cư dân biên giới. “Chính vì vậy, sản phẩm này vẫn tiềm ẩn rủi ro", ông cho biết.
Giá cau tươi bình thường phổ biến chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Lần sốt giá cau tươi gần nhất là vào tháng 9/2021, lên tới 70.000 đồng/kg. Ở thời điểm đó các chuyên gia, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên chạy theo cơn sốt giá nhất thời vì sản phẩm chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.