Xuất khẩu chè tăng trưởng 2 con số
7 tháng năm 2024, xuất khẩu chè Việt Nam ước đạt 78 nghìn tấn, trị giá 135 triệu USD, tăng 32,7% về lượng và tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.727,7 USD/tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ước tính, xuất khẩu chè trong tháng 7/2024 đạt 16 nghìn tấn, trị giá 29 triệu USD, tăng 14,5% về lượng và tăng 6,8% về trị giá so với tháng 6/2024; tăng 52,8% về lượng và tăng 56,2% về trị giá so với tháng 7/2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 7/2024 ước đạt 1.796,3 USD/ tấn, giảm 6,7% so với tháng 6/2024, nhưng tăng 2,2% so với tháng 7/2023.
Trong quý II/2024, xuất khẩu chè có xu hướng tăng mạnh nhờ nhu cầu tại nhiều thị trường đang có dấu hiệu phục hồi. Trong đó, chủng loại chè xanh xuất khẩu chiếm ưu thế với 61,6% tổng trị giá xuất khẩu; tiếp theo là chủng loại chè đen, chè ô long và chè ướp hoa.
Cụ thể, xuất khẩu chè xanh trong quý II/2024 đạt 19,9 nghìn tấn, trị giá 38,6 triệu USD, tăng 64,4% về lượng và tăng 61,8% về trị giá so với quý II/2023. Chè xanh xuất khẩu chủ yếu tới khu vực châu Á, chiếm 97,8% về lượng và chiếm 97,7% về trị giá trong quý II/2023. Chỉ một lượng nhỏ chè xanh được xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.
Tiếp theo là chủng loại chè đen xuất khẩu trong quý II/2024 đạt 13,7 nghìn tấn, trị giá 17,3 triệu USD, tăng 18,4% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Chè đen xuất khẩu chủ yếu sang khu vực châu Á, chiếm 71,3% về lượng và chiếm 68,3% về trị giá so với quý II/2023; tiếp theo là xuất khẩu tới khu vực châu Âu chiếm 14,5% về lượng và chiếm 17,2% về trị giá; châu Mỹ chiếm 13,4% về lượng và chiếm 13,7% về tri giá; còn lại tỷ trọng nhỏ là khu vực châu Đại Dương và châu Phi.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu chè, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 8 về trị giá trên thị trường thế giới (theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế - ITC), nhưng tỷ trọng nhập khẩu chè từ các thị trường chính trên toàn cầu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp. Vì vậy, cơ hội để mở rộng thị phần chè là rất khả quan.
Hiện, EU là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên toàn cầu. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu chè của thị trường EU đạt 401 triệu USD, tuy nhiên trị giá nhập khẩu chè của EU từ Việt Nam chỉ chiếm 0,19% tổng trị giá nhập khẩu. Như vậy, dư địa thị trường vẫn còn rất lớn và có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần đối với ngành chè Việt Nam.
Tiềm năng xuất khẩu chè tới thị trường EU được cho là khả quan, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi.
Với Pakistan, đây là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 2 toàn cầu. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chè Pakistan, trong 6 tháng năm 2024, nhập khẩu chè vào nước này đạt 272 triệu USD. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu chè của Pakistan từ Việt Nam vẫn còn thấp và đang có xu hướng giảm. Do nhiều rào cản, đặc biệt là thiếu thông tin thị trường, nên doanh nghiệp chè Việt Nam khó tiếp cận và khó có những đơn hàng lớn với các doanh nghiệp Pakistan.
Ngoài ra, theo Cục Xuất nhập khẩu các thị trường nhập khẩu chè như: Hoa Kỳ, Anh và Hong Kong (Trung Quốc) cũng rất tiềm năng để các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam mở rộng thị phần.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, thời gian tới, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ người trồng chè liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới…
Huyền My (t/h)Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 8/9, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 3) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.