Xuất khẩu chè Việt Nam tăng trưởng 2 chữ số
Việt Nam đang quy hoạch ngành chè theo hướng phát triển bền vững để nâng cao giá trị, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của thị trường quốc tế.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam tháng 10/2024 tăng trở lại, đạt 14,47 nghìn tấn, trị giá hơn 26 triệu USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 13,7% về giá trị so với tháng 9/2024; tăng 20,2% về lượng và tăng 19,9% về giá trị so với tháng 10/2023.
Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 10/2024 đạt 1.817 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 9/2024, nhưng giảm nhẹ 0,3% so với tháng 10/2023.
Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt hơn 120 nghìn tấn, trị giá gần 212 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá bình quân chè xuất khẩu trong 10 tháng năm 2024 đạt 1.762 USD/tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023. Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Cụ thể, Pakistan tăng 17,6% về lượng và tăng 27,2% về giá trị. Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tăng 2,5% về lượng và tăng 6,7% về giá trị. Trung Quốc tăng mạnh 249,5% về lượng và tăng 114,5% về giá trị. Indonesia tăng 56,2% về lượng và tăng 60,3% về giá trị… Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Iraq giảm mạnh 49,5% về lượng và giảm 46,3% về giá trị.
Tại Việt Nam, tổng diện tích cây chè cả nước hiện nay khoảng 122.000ha. Các địa phương trồng chè chủ yếu là Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Nghệ An, Yên Bái, Hà Giang...
Việt Nam hiện đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, nhưng sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự báo đến năm 2030, sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 156 nghìn tấn, tăng trung bình 0,83%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè được sản xuất trên cả nước.
Để đạt được mục tiêu nói trên, trước hết cần phải ổn định diện tích trồng chè. Xây dựng bộ giống chất lượng cao, cơ cấu giống phù hợp với từng địa phương, từng vùng sinh thái trồng chè nhằm đảm bảo Việt Nam có vùng nguyên liệu đáp ứng được nhu cầu chế biến, tiêu chuẩn thị trường, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng.
Đồng thời liên tục đổi mới quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng vật tư đầu vào để vừa bảo vệ được môi trường sản xuất, bảo đảm khả năng phòng trừ các sinh vật gây hại trên cây chè, đồng thời đảm bảo năng suất, chất lượng cao để sản xuất chè theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững theo hướng tuần hoàn.
Tăng liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, chính quyền địa phương... để xây dựng chuỗi giá trị cho cây chè, sản phẩm chè. Cùng với tập trung đầu tư chế biến, Việt Nam cũng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu các sản phẩm chè Việt trên thị trường quốc tế.
Hy vọng với tư duy mới trong trồng, sản xuất, chế biến, thương mại chè, nhất là chuỗi liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân... sẽ giúp đưa sản phẩm chè Việt vươn xa, thoát được cảnh xuất khẩu nhiều nhưng lãi ít.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.