Xuất khẩu da giày năm 2024 dự kiến đạt 27 tỷ USD
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD.
Tại Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2024, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) thông tin, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm 2024, Lefaso dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD.
26 năm liên tiếp (tính từ năm 1998), giày dép xuất khẩu luôn nằm trong nhóm các mặt hàng tỷ đô và nằm trong nhóm có kim ngạch cao. Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.
Riêng năm 2023, Việt Nam là nước đứng thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, về sản xuất và đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD.
Ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính. Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều Hiệp định thương mại tự do, chiếm hơn 60% khối lượng thương mại toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.
Trong năm 2024, bên cạnh thị trường có các FTA, ngành da giày Việt Nam mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đồng thời chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU do sức mua và dung lượng thị trường lớn.
Đặc biệt, ở khu vực Tây Nam Bộ và miền Trung Việt Nam vẫn còn nhiều lao động, chi phí nhân công rẻ, diện tích đất trống lớn… Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp tục phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành da giày của Việt Nam
Với phân khúc sản phẩm, Việt Nam được đánh giá có thể sản xuất được những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và sản phẩm có độ khó cao.
Sắp tới, ngành giày dép không định hướng sản xuất sản phẩm có giá trị thấp bởi lợi nhuận thấp, lãng phí nguồn lực mà sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc sản phẩm trung và cao cấp.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, hiện nay phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành.
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may-da giày là 2 trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Theo Bộ Công thương, hiện nay, bộ này đang triển khai xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may - da giày và trình Thủ tướng phê duyệt nhằm định hướng phát triển ngành bền vững và lâu dài.
An Mai (t/h)Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.