Xuất khẩu dệt may có thể hoàn thành kế hoạch 39 tỷ USD

Đầu tư và Tiếp thị
10:14 AM 06/05/2021

Hiện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí hết năm. Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 là khả quan và có thể hoàn thành kế hoạch 39 tỷ USD đã đề ra.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 9,51 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4% đạt 1,64 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 35,7%. Nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 14,1%, đạt 642 triệu USD.

Bộ Công Thương nhận định, ngành dệt may trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết và đi vào thực thi. 

Nhờ đó, chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 4/2021 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 3,9% và 29,4%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 7,8% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất trang phục tăng 9,5%. Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11%.

Xuất khẩu dệt may có thể hoàn thành kế hoạch 39 tỷ USD - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Công Thương

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, dệt may Việt Nam đang có ưu thế trên một số thị trường xuất khẩu lớn. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản vẫn là những thị trường tiêu thụ chính của ngành. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí hết năm. Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 khả quan và có thể hoàn thành kế hoạch 39 tỷ USD đã đề ra.

Đơn hàng về khá, kim ngạch xuất khẩu tăng chứng tỏ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích ứng với điều kiện kinh doanh mới thông qua các giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, thị trường, cũng như thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới. Đặc biệt, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh. 

Tuy vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới, ngành dệt may được nhận định vẫn sẽ chịu sự tác động theo xu thế chung của toàn cầu như sự bất ổn về đơn hàng, giá giảm. Do vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn khuyến cáo doanh nghiệp dệt may trong nước cần bám sát thay đổi của thị trường, điều chỉnh sản xuất kịp thời, tăng cường tìm kiếm đơn hàng mới. Song song với đó, nỗ lực hướng sản xuất tới phát triển bền vững bằng cách sử dụng các giải pháp xanh.

Về phía Bộ Công Thương, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD đề ra, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu dệt may, trong đó tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Huyền My (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn
Những khoảnh khắc ấn tượng tại Giải Marathon - Cà Mau 2024 Những khoảnh khắc ấn tượng tại Giải Marathon - Cà Mau 2024

Với thông điệp “Cà Mau điểm đến an toàn, nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, khí hậu trong lành, vùng đất có những con người hiền hoà, nghĩa tình, giàu lòng mến khách”. Giải Marathon - Cà Mau 2024 Cúp PetroVietNam với chủ đề “Điểm hẹn Cà Mau” có trên 6.000 vận động viên tham gia ở các cự ly 1,2 km, 2,4 km (dành cho thiếu nhi) và 5 km, 10 km, 21 km và 42 km.