Xuất khẩu dệt may, da giày tăng tốc trong tháng 1

Kinh doanh
03:53 PM 05/02/2021

Ngành dệt may và da giày đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới.

Đến nay trên thế giới, tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Thậm chí, tác động tiêu cực của đại dịch còn có thể kéo dài trong 1- 2 năm tới. Dự báo, năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được kí kết hồi giữa tháng 11/2020 sẽ được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội cho dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tình hình sản xuất của ngành trong tháng 1 như sau: Chỉ số sản xuất ngành dệt và chỉ số sản xuất trang phục lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Một số sản phẩm trong ngành có tăng 35,6% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 92,4 triệu m2, tăng 20,4% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 380,1 triệu cái, tăng 9,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 01 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới, ngành cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới. Đồng thời tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.

Còn với ngành da giày, trong tháng 1 năm 2021, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng giày, dép da tháng 1 ước đạt 21,9 triệu đôi, tăng 3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại tháng 01 ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Tương tự như ngành dệt may, các doanh nghiệp ngành da giày cũng đã và đang chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các Hiệp định thương mại mang lại nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, do tác động của dịch Covid-19, những chuỗi cung ứng mới đang được xác lập lại, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp da giày Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất, sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu.

Nhã Mi
Ý kiến của bạn