Xuất khẩu dệt may dự kiến về đích với 40,3 tỷ USD
Đến hết 10 tháng năm 2023, xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 33 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước.
Chia sẻ tại buổi Họp báo Hội nghị tổng kết Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) 2023, diễn ra ngày 23/11, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas cho hay: Năm 2023, lượng tồn kho lớn tại các thị trường nhập khẩu sau khi bị “quá mua” của năm 2022, kết hợp với nhu cầu tiêu dùng giảm khiến ngành công nghiệp dệt may toàn cầu, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng, đơn hàng giảm, giá thành hạ và bị cạnh tranh gay gắt.
Theo số liệu thống kê đến hết 10 tháng năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 33 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước. Nguyên nhân là sức mua của thị trường lớn sụt giảm đáng kể do kinh tế thế giới trong năm nay phục hồi chậm, lạm phát gia tăng, thị trường tài chính toàn cầu mất ổn định.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị vẫn tồn tại, làm phân mảnh thương mại, ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Trong cơ cấu xuất khẩu năm 2023, hàng may mặc chiếm tỷ trọng lớn nhất với 78,5% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, tương ứng 31,7 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022. Các mặt hàng khác như xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu dệt may, vải không dệt đều ghi nhận tăng trưởng âm so với năm 2022.
Ngoài ra, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như áo thun, quần short, quần áo trẻ em... Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tính đến hết 9 tháng xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, tiếp đến là Nhật bản 3 tỷ USD, Hàn Quốc 2,43 tỷ USD, EU gần 2,9 tỷ USD.
Tiếp đó là Canada khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia 612 triệu USD, Anh quốc 503 triệu USD, Australia 351 triệu USD, Nga 283 triệu USD, Indonesia 279 triệu USD, các thị trường Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) đều hơn 200 triệu USD…
Các doanh nghiệp ngành dệt may đã xuất khẩu 36 loại mặt hàng đi khắp thế giới, trong đó jacket vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với 4,385 tỷ USD, quần áo các loại 3,853 tỷ USD, áo thun 3,85 tỷ USD, sơ mi 1,879 tỷ USD, quần áo trẻ em 1,7 tỷ USD, vải các loại 1,7 tỷ USD…
Sang năm 2024, dự liệu thị trường vẫn nhiều khó khăn, nhưng ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 10%, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến 44 tỷ USD. Tín hiệu tích cực là hiện đơn hàng xuất khẩu quý IV đã tốt hơn, kỳ vọng duy trì cho cả năm 2024.
Để đạt được mục tiêu này, ngành dệt may tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững đi đôi với thích ứng mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hoá, giảm rác thải nhà kính, đầu tư vào quản trị số, kiểm soát thích ứng với ngành công nghiệp dệt may toàn cầu, thực hiện công nghệ hoá, tự động hoá ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao.
Huyền My (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.