Xuất khẩu dệt may nửa đầu tháng 3 tăng 79,6%
Nhóm hàng dệt may xuất khẩu đã có mức tăng trưởng khá ấn tượng trong nửa đầu tháng 3/2021.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 3/2021 (từ 1/3-15/3), xuất khẩu nhóm hàng dệt may đã tăng 565 triệu USD, tương ứng tăng 79,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tiến độ xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc) được đẩy nhanh so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt số lượng các lô hàng đạt giá trị cao như áo thun, quần, áo jacket đã tăng khá, số lượng các lô hàng đồ chống dịch ngày càng giảm.
Với đà tăng hiện tại, các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDIRECT ước tính giá trị xuất khẩu dệt may sẽ tăng 6,2% so với cùng kỳ 2020 lên 6,8 tỷ USD trong quý I/2021 và trong quý II/2021, đơn hàng ngành may, sợi được đảm bảo, tiếp tục có hiệu quả khá, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai tốt công tác dự báo và thương lượng hợp đồng mới trong quý III, quý IV năm nay.
Tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex chia sẻ với Zing rằng, đến năm 2021, các hoạt động giao dịch thương mại đã trở lại nhưng số lượng và đơn giá chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019. “Theo dự báo, thuận lợi nhất cũng phải đến quý III/2022, dệt may mới có thể trở lại ngưỡng tiêu thụ của năm 2019. Còn theo kịch bản phục hồi chậm, thì hết năm 2023”, ông Trường dự đoán.
Mặc dù vậy, thị trường dệt may năm 2021 vẫn được đánh giá khả năng phục hồi tốt hơn hẳn so với năm 2020 do các thị trường đã có cách ứng xử và quản lý xã hội trong dịch bệnh với một cách tiếp cận mới. Cùng với đó là gói hỗ trợ rất lớn trên 1.900 tỷ USD của Mỹ hướng tới các hộ thu nhập thấp và trung bình làm tăng khả năng chi dùng cho các mặt hàng thiết yếu, trong đó có dệt may. Năm 2021, ngành dệt may trong nước dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD ra thị trường nước ngoài, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD đề ra, các doanh nghiệp phải tìm kiếm, mở rộng thị trường, trong đó các FTA được coi là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Muốn tận dụng lợi ích về cắt giảm thuế quan từ các FTA, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước nội khối trong hiệp định từ khâu sợi trở đi đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ khâu sản xuất vải trở đi với Hiệp định EVFTA...
Đồng thời, các doanh nghiệp may thành viên được khuyến cáo quan tâm xử lý mối quan hệ giữa việc nhận đơn hàng dài hạn với đơn hàng có chu kỳ ngắn hơn, dự đoán sát diễn tiến thị trường, chọn điểm rơi có giá và mặt hàng tối ưu cho từng doanh nghiệp.
Dương Dương (Tổng hợp)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.