Xuất khẩu dệt may tăng 1,8% trong tháng đầu năm
Bộ Công thương cho biết, ngành dệt may đón nhận tín hiệu tích cực với lượng đơn hàng nhiều, ổn định ngay từ đầu năm. Thống kê tháng 1/2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, ngành dệt may mang về khoảng 44 tỷ USD, tăng trưởng gần 11% so với năm 2023. Kết quả này giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ sau Trung Quốc. Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Ngành dệt may bước vào năm 2025 đầy hứng khởi, các doanh nghiệp dệt may đã đón “cơn mưa” đơn hàng ngay từ đầu năm. Nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết quý II. Thống kê tháng 1/2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mỗi tháng còn lại trong năm, các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam phải xuất khẩu được hơn 4 tỷ USD để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu từ 47 - 48 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2024.

Dệt may là 1 trong 4 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước. Ảnh: Internet
Trong tháng đầu năm 2025, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, thị phần dệt may Việt Nam tại Mỹ đã tăng từ 10% (năm 2018) lên khoảng gần 20% (năm 2024), nhờ vào sự dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá, trái ngược với những năm trước, ngành Dệt may rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động. Nhưng từ nửa cuối năm 2024 đến nay, tình hình lại đổi chiều đơn hàng tăng khiến nhiều doanh nghiệp lo thiếu lao động. Hiện đơn hàng của doanh nghiệp dệt may tương đối dồi dào, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng hết quý II, có doanh nghiệp đang đàm phán đơn hàng quý III, quý IV. Năm 2025, dự báo xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt khoảng 48 tỷ USD.
Dù có nhiều khởi sắc, nhưng dệt may Việt Nam vẫn chịu áp lực cạnh tranh với các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan. Các quốc gia này có chi phí nhân công rẻ hơn và được Mỹ cấp các ưu đãi thuế quan đặc biệt theo hệ thống GSP (Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập). Trong khi đó, Việt Nam chưa được Mỹ cấp GSP, dẫn đến việc hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ bị áp mức thuế trung bình 10%-30%, cao hơn so với các đối thủ.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đề nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, khuyến khích đầu tư vào sản xuất vải và sợi trong nước; phải tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội địa, khuyến khích đầu tư vào sản xuất sợi, vải, thuốc nhuộm. Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về phía doanh nghiệp, VITAS khuyến nghị, doanh nghiệp cần có các giải pháp để “giữ chân” người lao động, bảo đảm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đào tạo nâng cao tay nghề, tăng ca, tăng giờ làm nhằm bảo đảm thực hiện theo kế hoạch xuất hàng cho đối tác. Áp dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất để tăng năng suất và phát triển mô hình sản xuất xanh, giảm phát thải carbon...

Đây là dự báo được chuyên gia kinh tế của Standard Chartered đưa ra tại tọa đàm về tổng quan kinh tế Việt Nam và thế giới trong nửa đầu năm 2025, được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 20/2.