Xuất khẩu dệt may tăng trưởng khả quan

Xuất nhập khẩu
09:27 AM 21/06/2025

Dù thị trường toàn cầu còn nhiều biến động, ngành dệt may Việt Nam đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 17,58 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

Chia sẻ tại sự kiện gặp mặt báo chí tổ chức ngày 19/6/2025, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – Vũ Đức Giang đã đánh giá cao sự chủ động linh hoạt của các doanh nghiệp trong bối cảnh chịu áp lực lớn do nhiều biến động bất định chưa từng có tiền lệ đã bình tĩnh tìm ra các giải pháp gỡ các nút thắt, khó khăn đạt nhiều kết quả tích cực.

Thực tế số liệu xuất khẩu dệt may trong 5 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam cũng cho thấy sự lạc quan bởi so với cùng kỳ năm 2024 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may không giảm mà còn có sự tăng trưởng nhất định.

Cụ thể thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tháng 5/2025 ước đạt 3,71 tỷ USD tăng 2,8% so với tháng 4 và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu dệt may tăng trưởng khả quan- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, tính chung tổng kim ngạch xuất khẩu hàng Dệt may 5 tháng 2025 ước đạt 17,58 tỷ USD tăng 9% so với cùng kỳ 2024, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 13,818 tỷ USD tăng 11,6% kim ngạch xuất khẩu xơ sợi ước đạt 1,737 tỷ USD giảm 4,3%; kim ngạch xuất khẩu vải ước đạt 1,131 tỷ USD tăng 6,0%...

Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 5 tháng 2025 ước đạt 10,63 tỷ USD tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó kim ngạch nhập khẩu vải nguyên liệu ước đạt 6,32 tỷ USD tăng 4,6%; kim ngạch nhập khẩu bông ước đạt 1,38 tỷ USD tăng 4,8%; kim ngạch nhập khẩu xơ sợi các loại ước đạt 1,17 tỷ USD tăng 10,6% kim ngạch nhập khẩu phụ liệu dệt may ước đạt 1,76 tỷ USD tăng 1,7%. 

Như vậy, ngành dệt may đã xuất siêu 6,95 tỷ USD – một kết quả tích cực góp phần cải thiện cán cân thương mại quốc gia trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp vẫn gặp khó khăn về thị trường.

Thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp thành viên đã nhận đủ đơn hàng cho đến hết quý II/2025 và đang giao dịch cho quý III. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy đà phục hồi không chỉ đến từ tổng thể thị trường mà còn bắt nguồn từ nội lực và khả năng thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp đầu ngành.

Thông tin với báo chí tại buổi gặp mặt, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, cùng các thị trường chính là Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ vẫn là một trong các thị trường xuất khẩu chủ lực, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. Bên cạnh đó VITAS cũng cho biết định hướng của ngành là sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đối tác khách hàng và mặt hàng nhằm thích ứng với điều kiện mới toàn cầu.

Theo VITAS, hiện Dệt may Việt Nam đã mở rông thị trường lên 132 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2024 là 104 quốc gia và vũng lãnh thổ) thậm chí Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm may mặc chất lượng cao sang Trung Quốc. Bên cạnh thị trường xuất khẩu chủ lực, doanh nghiệp Dệt may Việt Nam đang tích cực chủ động mở rộng thị phần tại nhiều thị trường lớn, tiềm năng khác.

Thông tin tại buổi gặp mặt, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex cho biết, mặc dù có nửa đầu năm thuận lợi nhưng xu hướng này sẽ khó dự báo cho thời gian tiếp theo. Thậm chí, dù đơn hàng tại nhiều đơn vị có thể đến tháng 8 và tháng 9, song cả khách hàng và người sản xuất đang phải tiếp tục thỏa thuận.

“Dù hoàn cảnh thế nào, doanh nghiệp vẫn phải chia sẻ một rủi ro là phải giữ được vị trí và niềm tin của khách hàng, không thể một phương án an toàn tuyệt đối cho nhà sản xuất,” ông Trường cho hay.

Theo kế hoạch năm 2025, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 18.315 tỷ đồng, tương đương năm 2024; Lợi nhuận trước thuế 910 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2024. Để thực hiện được mục tiêu thách thức trên, đại diện Vinatex cho biết tập đoàn sẽ tập trung vào nhóm giải pháp nhằm ổn định thị trường, tăng hiệu quả và sản phẩm khác biệt.

Theo VITAS, để khắc phục các điểm yếu trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là bài toán nguyên phụ liệu nhập khẩu, ngành cần sớm phát triển các khu công nghiệp dệt may quy mô lớn, tập trung thu hút đầu tư vào sản xuất vải, sợi trong nước, từ đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Bên cạnh đó, VITAS cũng kiến nghị Bộ Công Thương đẩy nhanh đàm phán các FTA mới như ASEAN – Canada, và đề xuất hợp tác với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) nhằm giảm rào cản về quy tắc xuất xứ, kỹ thuật. Trong nội tại doanh nghiệp, cần tiếp tục cải tiến năng suất, tối ưu hóa chi phí và mở rộng các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao để giữ vững đà tăng trưởng bền vững.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Độc đáo Lễ hội Xòe Bản Mây tại Fansipan, Sa Pa Độc đáo Lễ hội Xòe Bản Mây tại Fansipan, Sa Pa

Từ 12/7 đến hết 27/7, Lễ hội Xòe sẽ được tổ chức tại Bản Mây, khu du lịch Sun World Fansipan Legend, mở ra một không gian độc đáo và thú vị để du khách được sống trong văn hóa đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc.