Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp

Xuất nhập khẩu
12:52 PM 19/05/2024

Tháng 4/2024, xuất khẩu dệt may tăng 2,8%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng cùng với tình hình thị trường khởi sắc, cho thấy ngành dệt may đang dần phục hồi.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 3,15 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. 

Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp- Ảnh 1.

Với kết quả đạt được, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tháng 4/2024 đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng kể từ tháng 12/2023.

Trong tháng 4/2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ đạt 1,16 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ, đi Nhật Bản đạt 319 triệu USD tăng 9,6% so với cùng kỳ, đi Hàn Quốc đạt 262 triệu USD tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên xuất khẩu đi thị trường EU và Trung Quốc giảm trong tháng 4 với con số lần lượt là 339 triệu USD, giảm 2,64%; 253 triệu USD, giảm 3,6% so cùng kỳ.

Dù vậy, lũy kế 4 tháng năm 2024, tất cả các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ: Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,58 tỷ USD, tăng 6,3%; EU đạt 1,2 tỷ USD tăng 1,5%; Nhật Bản đạt 1,34 tỷ USD tăng 10%; Hàn Quốc đạt 1,22 tỷ USD tăng 3,7%; Trung Quốc đạt 1,07 tỷ USD tăng 13,1%.

Đánh giá về triển vọng trong năm 2024, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam chỉ ra 3 yếu tố tác động đến triển vọng của ngành:

Thứ nhất, các nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng: Trong quý I, các thị trường trọng điểm của Việt Nam nhìn chung ghi nhận mức tăng trưởng GDP khá tốt.

Thứ hai, hàng tồn kho và doanh số của các thương hiệu lớn. Vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán hàng của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma có xu hướng giảm, duy trì ở mức thấp. Ngoài ra, tỷ lệ tồn kho trên doanh thu của các cửa hàng thời trang và các nhà bán sỉ cũng ghi nhận sự sụt giảm. Những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng và hàng tồn kho sẽ dẫn đến sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng trong năm 2024.

Thứ ba, niềm tin người tiêu dùng được duy trì. Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm vẫn ổn định trong quý I. So với số liệu đầu năm 2023, tâm lý tiêu dùng dường như mạnh hơn. 

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng đánh giá, ngành dệt may Việt Nam đang có những lợi thế lớn, đầu tiên là Việt Nam có nhiều Hiệp định thương mại tự do; tiếp đến là Việt Nam là một quốc gia có nền công nghiệp dệt may đang phát triển bắt kịp xu thế của toàn cầu về chiến lược đầu tư cho con người, đầu tư cho công nghệ, chiến lược đầu tư phát triển quản trị số và chiến lược đầu tư phát triển xanh, phát triển bền vững; đặc biệt là chiến lược đầu tư cho các dòng sản phẩm có tính ổn định bền vững và an toàn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là thiếu lao động do các địa phương khuyến khích lao động đi xuất khẩu, cùng với việc thu hút lao động từ các địa phương trở về làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, hiện nay, lao động bỏ nhà máy ra ngoài làm các công việc dịch vụ, shipper rất nhiều.

Để khắc phục tình trạng thiếu lao động, theo VITAS, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang chủ động đầu tư vào trang thiết bị, công nghệ tự động hóa. Bởi khi tự động hóa càng cao thì áp lực tuyển dụng lao động càng giảm đi, đặc biệt đối với ngành may. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đầu tư vào quản trị số, đầu tư vào giải pháp liên kết chuỗi nhằm chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.