Xuất khẩu điều có thể khởi sắc vào cuối năm

Thị trường
04:58 PM 14/09/2020

Xuất khẩu (XK) điều gặp khó khăn, dự kiến sang đến quý IV mới có khả năng khởi sắc trở lại, Hiệp hội Điều Việt Nam quyết định hạ mục tiêu XK hạt điều năm 2020 xuống còn 3,2 tỷ USD thay vì 4 tỷ USD đã đặt ra từ cuối năm 2019.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều mặc dù tăng mạnh về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, khối lượng xuất khẩu hạt điều đạt 265.000 tấn với giá trị 1,72 tỷ USD, tăng 10,4% về khối lượng nhưng lại giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu điều có thể khởi sắc vào cuối năm. Ảnh minh họa

Xuất khẩu điều có thể khởi sắc vào cuối năm. Ảnh minh họa

Theo đó, Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 35,2%, 13% và 10,6% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu điều tăng mạnh nhất tại thị trường Nhật, tăng 88,6%, ngược lại thị trường có giá trị xuất khẩu điều giảm mạnh nhất là Nga, giảm 40,8%. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2020 đạt 6.614 USD/tấn, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 8/2020 ước đạt 141 nghìn tấn với giá trị đạt 148 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 8 tháng đầu năm 2020 đạt 924 nghìn tấn và 1,14 tỷ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 23,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường nhập khẩu hạt điều chính trong tháng 7 năm 2020 là Campuchia, Tanzania, Bờ Biển Ngà.

Tại thị trường trong nước, giá điều nguyên liệu biến động trái chiều trong tháng 8/2020. Cụ thể, điều khô mua xô tại Bình Phước từ 24.500 đồng/kg tăng lên 26.000 đồng/kg; tại Đăk Lăk, điều tươi (chưa phân loại) ổn định ở mức 30.500 đồng/kg, điều khô loại 1 ở mức 50.000 đồng/kg; tại Đồng Nai, điều thô mua xô giảm mạnh từ 42.000 đồng/kg xuống còn 33.000 đồng/kg.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản trong tháng 8, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 45 nghìn tấn với giá trị 261 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 8 tháng đầu năm 2020 đạt 312 nghìn tấn và 1,99 tỉ USD, tăng 9% về khối lượng nhưng giảm 5,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 8 ước đạt 141 nghìn tấn với giá trị đạt 148 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 8 tháng đầu năm 2020 đạt 924 nghìn tấn và 1,1 tỉ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 23,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến ngành điều Việt Nam trong thời gian vừa qua. Giá điều nhân liên tục giảm trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi đã dự trữ nguyên liệu với giá cao nhưng phải xuất khẩu đi với giá thấp.

Các doanh nghiệp thường dự trữ điều thô từ cuối năm trước để chế biến xuất khẩu cho năm sau, vào thời điểm cuối năm 2019 giá điều thô khá cao, từ 1.200 đến 1.500 USD/tấn.

Đến đầu năm 2020 giá điều thô giảm xuống còn 1.000 USD/tấn, kéo giá điều nhân giảm theo khiến cho doanh nghiệp lỗ nặng, buộc phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động.

Ngoài ra việc giá điều giảm khiến khách hàng chú ý nhiều hơn đến chất lượng, nên nhiều vụ tranh chấp thương mại đã xảy ra, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về.

Theo dự báo, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong quý III năm 2020 sẽ giảm sâu. Dự kiến sang đến quý IV mới có khả năng khởi sắc trở lại do các nước như Mỹ, Ấn Độ, EU và Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết cuối năm. Vì vậy, ngành điều cần có ngay các giải pháp cụ thể, phù hợp tình hình.

Nhu cầu tiêu thụ điều trên thế giới trong những tháng cuối năm 2020 khó có thể dự đoán bởi hạt điều không phải là thực phẩm thiết yếu và rủi ro tái bùng phát đại dịch COVID - 19 tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước tiêu dùng hạt điều lớn trên thế giới.

Về xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến điều trong nước cần thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan chức năng, giao hàng bảo đảm chất lượng và ổn định cho đối tác, góp phần bảo vệ thương hiệu, nâng giá trị xuất khẩu; minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản đến công bố chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.

Trường Duy
Ý kiến của bạn