Xuất khẩu điều giảm mạnh về giá trị và số lượng

Xuất nhập khẩu
11:47 AM 27/06/2022

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành điều Việt Nam chỉ đạt trên 1,19 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, giảm 7,81% về lượng và giảm 6,81% về trị giá.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngành điều 6 tháng đầu năm 2022, ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), cho biết: 5 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã xuất khẩu được 206,11 ngàn tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu trên 1,19 tỷ USD, giảm 7,81% về lượng và giảm 6,81% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu điều giảm mạnh về giá trị và số lượng - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu điều giảm mạnh. Ảnh: VIR.

Về nhập khẩu, 5 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp ngành điều nhập khẩu khoảng 968.000 tấn điều thô từ nước ngoài với giá trị gần 1,4 tỷ USD, giảm 35,24% về lượng và giảm 37,84% về trị giá. Tuy nhiên nếu xem xét giá nhập khẩu điều thô từ châu Phi từ đầu vụ đến nay đã tăng 15-20% so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy, các nhà nhập khẩu và chế biến đang có xu hướng chậm mua nguyên liệu do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do không tương quan giữa giá điều thô nhập khẩu và giá nhân xuất khẩu. Giá điều thô đang ở mức rất cao so với giá nhân bán ra, giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi giá bán nhân thấp. Các nhà máy chế biến khó cân đối để hoà vốn, chưa tính đến lãi.

Giao thương bị gián đoạn, giá năng lượng, lương thực, phân bón… đẩy giá điều thô tăng cao, khiến lượng điều thô nhập khẩu khẩu sụt giảm mạnh, giảm 35% (khoảng 350.000 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga - Ukraine, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các thị trường lớn siết chặt quy chế nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có hạt điều. 

Theo nhận định của VINACAS, 6 tháng cuối năm 2022, tình hình khó khăn, đình trệ vẫn sẽ còn tiếp tục đến với ngành điều. Giá cước tàu biển vẫn còn ở mức cao so với những năm trước dịch COVID-19, giá nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu, vì vậy số lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ giảm kéo dài đến hết quý IV năm 2022.

Trước nhiều thách thức, VINACAS đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho điều chỉnh chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân năm 2022 ở mức khiêm tốn khoảng 3,2 tỷ USD, giảm 600 triệu USD so với năm 2021. Theo kế hoạch Bộ đề ra trước đó cho ngành điều xuất khẩu 3,8 tỷ USD.

Xuất khẩu điều giảm mạnh về giá trị và số lượng - Ảnh 2.

VINACAS đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho điều chỉnh chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân năm 2022 xuống còn 600 triệu USD. Ảnh: Internet

Đồng thời, VINACAS kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp ngành điều trong thời gian sớm nhất.

Để đảm bảo thông mạch xuất khẩu, VINACAS cũng có đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo các hãng tàu, đảm bảo cung cấp số lượng container rỗng cho các hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp Việt Nam. Tránh lặp lại tình trạng thiếu container rỗng bất thường đã xảy ra trong năm 2021, gây thiệt hại về nhiều mặt. VINACAS đề nghị các đơn vị không sản sinh ra các loại phí mới bất hợp lý như phí sử dụng hạ tầng cảng biển, phí cân bằng container… gây khó khăn cho các doanh nghiệp

Ngành điều cũng cần có sự hỗ trợ của Bộ Công Thương kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để các doanh nghiệp điều kịp thời được thông tin về thị trường, khách hàng, xu hướng tiêu dùng và các rủi ro về thương mại tại các thị trường nước ngoài và hỗ trợ các doanh nghiệp điều khi có những khó khăn không lường trước được có thể xảy ra.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Sẵn sàng nguồn vốn ưu đãi thực hiện Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp Sẵn sàng nguồn vốn ưu đãi thực hiện Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp

Triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, người trồng lúa, HTX và doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết từ trồng trọt, thu mua, xuất khẩu lúa đều được hưởng lợi khi tiếp cận được vốn vay ưu đãi, không phải sử dụng tài sản thế chấp, được hỗ trợ xây dựng chuỗi khép kín...