Xuất khẩu điều hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn tăng nhập điều thô

Xuất nhập khẩu
11:09 AM 12/12/2024

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam xuất khẩu điều đạt gần 4 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024 nhưng chi nhập khẩu cũng lên tới 3,040 tỷ USD. Việt Nam đứng top 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu điều nhân, nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Cùng với cà phê, rau quả, gạo, xuất khẩu điều đã lập kỷ lục trong 11 tháng của năm 2024, với 669.000 tấn, trị giá 3,98 tỷ USD, tăng 15,2% về lượng và 20,6% về trị giá so với cùng kỳ này năm ngoái. Còn nếu so với cả năm 2023, trị giá xuất khẩu tăng thêm vào khoảng 340 triệu USD.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, chiếm 63,5% tổng lượng và 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của Việt Nam luôn giữ vững vị trí số một thế giới, với giá trị khoảng trên 3-4 tỷ USD/năm.

Xuất khẩu điều hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn tăng nhập điều thô- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Được xem là quốc gia sản xuất hạt điều hàng đầu thế giới, tuy nhiên ngành điều Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với những nước như Campuchia và một số nước châu Phi.

Xuất khẩu tăng mạnh, xấp xỉ 4 tỷ USD trong 11 tháng qua, nhưng mức chi nhập khẩu điều cũng tăng mạnh theo xuất khẩu. Dữ liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2024, cả nước đã chi 3,040 tỷ USD để nhập khẩu điều, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ. Như vậy, ngành điều xuất khẩu nhiều nhưng nguyên liệu lại không do trong nước cung ứng mà phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu từ bên ngoài, cán cân thương mại xuất siêu 940 triệu USD trong 11 tháng.

Trước câu chuyện xuất nhập song song của ngành điều, trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Trần Hữu Hậu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) - giải thích, Việt Nam nhập khẩu nhiều điều thô từ châu Phi và Campuchia. 

"Lý do là Việt Nam trồng điều không nhiều. Năm 2023, nhu cầu là 3,1 triệu tấn điều thô, nhưng trong nước sản lượng chỉ còn 260.000 tấn, chiếm khoảng 10-12% mức có thể đáp ứng. Nếu không nhập thì không sản xuất được", ông Hậu nói.

Lợi thế của ngành điều Việt Nam, theo ông Hậu là thuận lợi ở công suất chế biến tương đối tốt; làm chủ công nghệ, thiết bị chế biến điều tại chỗ nhưng vẫn tồn tại nghịch lý. Giải thích cụ thể, ông Hậu nói thêm: "Nước xuất khẩu điều lớn nhất, nhưng sản lượng trồng kém, không phát triển khiến thu nhập của nông dân bấp bênh. Hơn nữa, cây điều cạnh tranh mạnh với sầu riêng, các cây ăn trái khác".

Hiện, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm, trong đó gần 80% từ châu Phi. Nguyên liệu điều thô châu Phi góp phần lớn vào kết quả xuất khẩu của ngành điều Việt Nam. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành hàng này gặp rủi ro nhiều hơn.

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu của ngành điều có thể đạt 4,3 tỷ USD trong năm nay, nhưng con số nhập khẩu nhiều khả năng chạm ngưỡng 3,2 tỷ USD. 

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.