Xuất khẩu đồ gỗ vào EU giảm hơn 37%

Xuất nhập khẩu
11:33 AM 04/05/2023

Tại thị trường EU, trong quý I/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 133,2 triệu USD, giảm 37,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu đồ gỗ giảm mạnh

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2023, trị giá xuất khẩu đồ gỗ ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng mặt hàng đồ gỗ nội thất chiếm 56,5% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 11,5 điểm % so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường, mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ được xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Mỹ, với tỷ trọng chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong quý 1/2023. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lạm phát, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ đã giảm 51,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu đồ gỗ vào EU giảm hơn 37% - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ vào Mỹ và EU giảm mạnh trong quý I/2023. Ảnh: VTV

Với thị trường EU, trong 3 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 133,2 triệu USD, giảm 37,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn tại ba thị trường Đông Á quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn duy trì được tính ổn định. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu sang ba thị trường Đông Á tương đối hẹp, chỉ dừng lại ở các mặt hàng như dăm gỗ, viên nén, gỗ dán và một số mặt hàng khác. 

Theo nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, thời điểm này dù đã sang quý II song doanh nghiệp vẫn chật vật tìm đơn hàng, doanh nghiệp nào có đơn hàng cũng chủ yếu là đơn hàng nhỏ. Từ đầu năm tới nay đơn hàng của hầu hết doanh nghiệp cho sản xuất trong thời điểm này chỉ đạt khoảng 35 - 40%. Doanh nghiệp đang trong tình trạng "ăn đong" từng đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí không có đơn hàng, phải cắt giảm lao động.

Từ cuối năm ngoái, đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sụt giảm trầm trọng. Nguyên nhân là do xung đột địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh như: Chi phí logistics tăng cao, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao…

Bên cạnh đó, yếu tố lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa được nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với mặt mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.

Doanh nghiệp hiện đang loay hoay tìm đơn hàng, tìm kiếm khách hàng, xoay xở mọi cách để tồn tại, duy trì lực lượng lao động. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy.

Tìm giải pháp để phục hồi

Với những khó khăn còn hiện hữu, các chuyên gia ngành gỗ nhận định, dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành khả năng chỉ đạt tương đương năm 2022, khoảng 15,8 tỷ USD, tức thấp hơn mục tiêu 17,5 tỷ USD ban đầu ngành đặt ra.

Xuất khẩu đồ gỗ vào EU giảm hơn 37% - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp đồ gỗ đang tìm giải pháp để phục hồi sớm. Ảnh: VnEconomy

Do đó, việc tìm giải pháp để phục hồi sớm là điều mà các doanh nghiệp rất quan tâm. 

Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp, để các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả thị trường, các doanh nghiệp phải tự thiết kế mẫu mã các sản phẩm gỗ độc đáo, đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng thay vì chỉ gia công theo đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài. Đây cũng là những gợi ý của Thủ tướng Chính phủ đến Hiệp hội Gỗ và Lâm sản trong tọa đàm “Xu hướng và tiềm năng ngành đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường Âu – Mỹ” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM tổ chức, nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu lâm sản, thủy sản.

Hiệp hội gỗ và lâm sản cho biết thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang tác động thuận lợi cho ngành gỗ, tạo lợi thế cạnh tranh khi mức thuế giảm dần về bằng 0%. Đây cũng là yếu tố sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang EU. Việc này cũng tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành gỗ cần tranh thủ cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này để sớm phục hồi.

Trong nửa cuối năm 2023, kỳ vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tích cực hơn khi các nền kinh tế được cải thiện, nhu cầu về đồ nội thất tăng.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn