Xuất khẩu gạo cả năm 2024 có thể tiếp tục lập kỷ lục mới

Xuất nhập khẩu
08:22 AM 16/11/2024

Các chuyên gia nhận định, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục của năm 2023.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng năm 2024 đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Về kim ngạch, xuất khẩu gạo trong 10 tháng qua vượt kim ngạch cả năm 2023 (4,6 tỉ USD). Nguyên nhân nhờ giá gạo xuất khẩu bình quân ở mức cao, đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex nhận định: Với đà tăng trưởng hiện nay, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm Việt Nam có lượng xuất khẩu gạo lớn với trên 8 triệu tấn, giá trị cũng sẽ đạt trên 5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu bình quân cũng có thể đạt mức cao nhất, trên 600 USD/tấn. Điều này giúp giá lúa gạo tại thị trường trong nước duy trì ở mức cao và vẫn khá ổn định. 

Xuất khẩu gạo cả năm 2024 có thể tiếp tục lập kỷ lục mới- Ảnh 1.

Dự kiến xuất khẩu kỷ lục hơn 8 triệu tấn gạo. Ảnh: Int

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm trên 45%. Đến cuối tháng 10/2024, Philippines nhập khẩu 2,91 tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia. Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần.

Nếu tại thị trường phổ thông Indonesia và các nước châu Phi, gạo VN đang bị cạnh tranh về giá với nhiều nước thì tại thị trường Philippines, gạo Việt vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối.

Riêng Philippines, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 3,68 triệu tấn gạo trong 10 tháng. Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 là 2,84 triệu tấn và vượt qua tổng lượng gạo nhập khẩu trong cả năm 2023 của Philippines. Những tháng gần đây, lượng gạo nhập khẩu vào Philippines luôn ở mức cao, cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn đang rất lớn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, trong những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục tăng cao do tiêu thụ trong nước tăng, trong khi mùa vụ cuối năm của Philippines đã bị thiệt hại bởi thiên tai. Dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 sẽ ở mức trên 4 triệu tấn.

Ngoài ra, một thị trường truyền thống khác của Việt Nam là Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang có sự sụt giảm. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng qua, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chỉ đạt 241 nghìn tấn, thu về 141,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm mạnh 72%.

Số liệu thống kê trước đó cho thấy, trong nhiều năm qua Trung Quốc luôn là khách hàng lớn của gạo Việt Nam. Năm 2012, quốc gia tỷ dân này trở thành khách hàng lớn nhất, chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu gạo của nước ta.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: 5 năm trở lại đây, Bộ NN&PTNT kết hợp với các tỉnh, thành và nông dân, DN đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu về nâng chất lượng gạo lên. Nhờ đó, gạo Việt Nam giá cao nhưng các quốc gia vẫn chấp nhận.

Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt trên 8 triệu tấn. Còn theo chia sẻ của một số DN xuất khẩu gạo ở khu vực các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, các DN đều nhận được nhiều đơn hàng mới từ các đối tác ở Philippines và Trung Quốc.

Thêm vào đó, chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như EU, Mỹ, và Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hơn. Dự báo, từ nay đến tháng 12, khả năng các DN tiếp tục xuất khẩu với khối lượng tăng và giá trị tốt hơn.

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay giá gạo có điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn ở mức tương đối cao, vẫn thuận lợi cho các DN. Việc cần làm là các DN xuất khẩu gạo Việt Nam phải luôn bảo đảm, duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng. Tiếp đến, phải bảo đảm yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo. Bởi, điều đó cũng sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến rất nhiều DN xuất khẩu gạo trong nước.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.