Xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội đột phá trong năm 2023

Xuất nhập khẩu
10:28 AM 28/01/2023

Trong năm 2023 xuất khẩu gạo được dự báo sẽ có nhiều cơ hội đột phá từ nền tảng giá cao của năm 2022 và cơ hội do Trung Quốc mở cửa trở lại.

Năm 2022 có rất nhiều biến động trên thị trường, đặc biệt là đầu năm giá gạo đi xuống, đến giữa quý III giá gạo lại biến động. Tuy nhiên, đây vẫn là một năm khá thành công của những nhà xuất khẩu cũng như là sản xuất lương thực Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu gạo vào một số các thị trường lớn như Philippines đã ghi nhận tăng trưởng đến gần 30%.

Xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội đột phá trong năm 2023 - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội đột phá trong năm 2023. Ảnh internet.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 7,2 triệu tấn với giá trị 3,49 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường tiếp tục tăng. 

Cụ thể, ngày 22/12, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với đầu tháng 12; gạo 25% tấm có giá bán ở mức 438 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn. Thậm chí, giá gạo 5% tấm của Việt Nam nhiều thời điểm còn vượt Thái Lan và đứng đầu thế giới. Đơn cử, trong tháng 11/2022, trong khi giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn còn Việt Nam ghi nhận mức 447 USD/tấn.

Nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đầu năm cùng những tín hiệu tích cực của thị trường - điển hình việc Trung Quốc sẽ mở cửa sau một thời gian dài thực thi “zero COVID” - sẽ giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang quốc gia đang nhập khẩu lớn thứ hai này.

Không chỉ ghi nhận sản lượng vượt kế hoạch đề ra, năm 2022 cũng đánh dấu việc gạo Việt thâm nhập thị trường Trung Đông và châu Âu bằng chính thương hiệu “Made in Vietnam” của doanh nghiệp Việt với giá cao trên 1.000 USD/tấn.

Từ nền tảng của năm 2022, các nhà xuất khẩu gạo dự báo rằng, trong năm 2023 xuất khẩu gạo sẽ có nhiều cơ hội đột phá. Cụ thể, theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với việc đạt giá cao vào cuối vụ, đặc biệt là cuối năm 2022 sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lợi thế để đàm phán hợp đồng của năm 2023.

Ngoài có nền tảng là giá tốt thì ở nhiều thị trường như Philippines, Trung Quốc, Châu Âu hay Bangladesh… cũng đều có nhiều triển vọng. Trong đó, với thị trường Trung Quốc, gần đây nước này thông báo sẽ mở cửa trở lại cũng được cho là một tín hiệu tích cực cho những nhà xuất khẩu gạo. 

Tại thị trường Bangladesh, vào cuối tháng 11/2022 Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh của nước này đã tới Việt Nam để làm việc trực tiếp với Tổng Công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II). Tại buổi làm việc này, ông Sadhan Chandra Majumder, Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh khẳng định sản lượng lúa gạo của nước này chưa đủ để cung cấp cho 170 triệu dân và vẫn cần phải nhập khẩu gạo, với những nguồn cung chính là Ấn Độ, Việt Nam và Myanmar. Do đó, Bangladesh đã đồng ý gia hạn MOU về thương mại gạo với Việt Nam thêm 5 năm.

Hay với thị trường Philippines - quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, mới đây Chính phủ nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35%. Việc duy trì chính sách giảm thuế nhập khẩu của Philippines sẽ là thông tin tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam vì sẽ đảm bảo cho tính ổn định của thị trường.

Thương Huyền (t/h)
Ý kiến của bạn