Xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá

Xuất nhập khẩu
08:34 AM 24/01/2025

Theo nhận định từ các chuyên gia, xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Nguyên nhân là do nhu cầu suy yếu trong khi cạnh tranh gia tăng giữa các nước sản xuất.

Bên cạnh đó, dư địa xuất khẩu gạo năm 2025 cũng không còn nhiều do mức nền của năm 2024 đã ở mức cao, đi kèm yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường, nhất là khi Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo.

Tính đến nửa đầu tháng 1/2025, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua do nhu cầu suy yếu. Giá gạo xuất khẩu bình giá so với cuối tuần. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở mức 419 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 395 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 326 USD/tấn. Tuy nhiên so với đầu tuần trước giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn có xu hướng giảm. Đầu tuần trước, gạo 5% tấm của ta còn được chào bán ở mức 422 USD/tấn, giảm so với mức 460 USD/tấn của một tuần trước đó nữa.

Trong khi giá gạo Ấn Độ ở gần mức thấp nhất trong 18 tháng và Thái Lan chạm đáy kể từ tháng 4/2023.

Xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá- Ảnh 1.

Các chuyên gia dự báo xuất khẩu gạo sẽ giảm cả lượng và giá trong năm 2025. Ảnh minh họa, internet

Trong hai năm qua, tồn kho của Ấn Độ lớn vì họ siết chặt việc xuất khẩu gạo ra toàn cầu. Do đó thời gian tới, khi nước này nới lỏng các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực đối với các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa trước khi vào vụ thu hoạch, giá gạo Việt tương đối cao nên nhiều nhà nhập khẩu dịch chuyển sang các nước khác để mua hàng sớm hơn.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, việc Ấn Độ bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo Ấn Độ dồi dào tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm. Thế nhưng, nhờ tập trung nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu khá tốt nên doanh nghiệp Việt đã tìm kiếm được nhiều thị trường như Indonesia, Philippines… Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ngân hàng cần hỗ trợ vốn và Bộ Tài chính sớm hoàn thuế xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo.

Năm 2025, giá gạo có thể thấp hơn năm 2023 - 2024 và có khả năng thấp hơn cả năm 2022 hoặc chỉ cao hơn một chút. Dịp cuối năm dương lịch đến nay nhiều quốc gia trồng lúa lớn bước vào mùa vụ thu hoạch, trong đó có Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân khiến giá gạo Việt Nam sụt nhanh.

Tại Philippines, nhiều ngày qua chính phủ nước này đã siết chặt vấn đề giá gạo nên các bộ ngành đang tăng cường rà soát lại thị trường. Các nhà nhập khẩu cũng đang thận trọng, đồng thời tâm lý của các nhà nhập khẩu cũng có nhiều nguồn mới nên họ cũng không vội ký với Việt Nam. Do đó đơn hàng gạo cuối năm ký giao trong dịp đầu năm nay chưa nhiều.

Nhìn lại năm 2024, giới phân tích chỉ ra rằng: Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục một phần nhờ đơn giá cao hơn những năm trước. Gạo Việt Nam đạt đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn (trước đây dưới 600 USD/tấn), tăng khoảng 9% so với năm 2023. Đặc biệt, gạo Việt Nam đã đi khắp thế giới với khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng đã tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ngoài thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia...

Về thị trường, theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, cả năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 sang Singapore với kim ngạch 128,9 triệu SGD, chiếm 28,25% thị phần.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong năm 2024 tiếp tục tăng trưởng rất tốt, đạt kim ngạch khoảng 128,9 triệu SGD, tăng 28,45% so với cùng kỳ 2023. 

Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác xuất khẩu lớn nhất của Singapore. Mặc dù duy trì được tốc độ xuất khẩu cao đối với các nhóm gạo nếp và gạo thơm xay xát/tróc vỏ, tuy nhiên, kim ngạch của nhóm chủ lực là gạo tẻ trắng chỉ tăng nhẹ (0,24%) khiến tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong cả năm 2024 của Việt Nam sang Singapore sụt giảm đáng kể. Việt Nam đã tụt xuống vị trí đối tác xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Singapore, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Đứng ở vị trí thứ hai là Indonessia, đạt 1,26 triệu tấn, kim ngạch 746,3 triệu USD, tăng 7,9% về lượng và 16,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường lớn tiếp theo là Malaysia cũng tăng mạnh 81,4% về lượng và gấp 2 lần về kim ngạch, đạt 719.241 tấn, kim ngạch 426 triệu USD.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, biến động bất lợi của giá gạo trong năm nay sẽ không gây ra thiệt hại lớn, nhất là khi doanh nghiệp xuất khẩu và ngành chức năng chủ động giải pháp ổn định thu mua dự trữ hợp lý nguồn lúa gạo, nguyên liệu trong dân.

Các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Ngân hàng Nhà nước có chính sách về tín dụng. Trong đó làm sao để cung nguồn tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình thu mua lúa gạo của nông dân. Việc này là hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, gián tiếp thông qua doanh nghiệp. 

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn