Xuất khẩu gạo sang EU tăng gấp 4 lần nhờ Hiệp định EVFTA
Xuất khẩu gạo sang EU 4 tháng đầu năm 2022 đạt trên 30.000 tấn, với kim ngạch 23 triệu USD. Riêng quý 1, xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng gần 4 lần về lượng và 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ 2021. Kết quả có được là nhờ tận dụng có hiệu quả “tấm vé" thông hành từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Theo đánh giá mới đây từ Bộ Công thương, thời gian qua xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU đã có kết quả khởi sắc. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt. Nhờ những ưu đãi về thuế quan, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu (EU) được đánh giá cao và cho các kết quả tích cực.
Xuất khẩu gạo sang EU trong 4 tháng đầu năm nay đạt trên 30.000 tấn, với kim ngạch 23 triệu USD. Trong quý I/2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 22.500 tấn gạo sang thị trường này, thu về gần 18 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khối EU, Italy đã vươn lên dẫn đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu tăng 26 lần so với cùng kỳ. Một số thị trường chủ lực khác là Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển…
Trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước giảm 12,1% trong quý I/2022, xuống 470 USD/tấn, thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU lại ghi nhận mức tăng 9%, đạt 760 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU cao hơn mức trung bình ngành gạo là do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh khác như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ…
“Kết quả này cho thấy, các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, giá cước vận tải biển đi EU tăng mạnh” - đại diện Bộ Công thương đánh giá.
Năm 2021, việc thực thi EVFTA đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU, với sản lượng đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về kim ngạch so với năm 2020. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng thêm 10 - 20 USD/tấn.
Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.
Về triển vọng thị trường, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đưa ra dự báo, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU sẽ tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục chiến lược chất lượng, gia tăng giá trị sẽ giúp gạo Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.
HM (T/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.