Xuất khẩu gạo sẽ có nhiều đột phá
Theo các chuyên gia, thị trường xuất khẩu gạo rất sôi động vào giữa năm, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 4, Việt Nam xuất khẩu khoảng 550 nghìn tấn gạo với giá trị đạt 273 triệu USD, đưa tổng khối lượng trong 4 tháng đầu năm đạt 2,05 triệu tấn với giá trị 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Với kết quả đạt được, nhiều chuyên gia tin rằng, thị trường xuất khẩu gạo sẽ sôi động hơn vào thời gian tới bởi nhu cầu tăng cao từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, từ tháng 5 sẽ là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn và giá lúa gạo sẽ tiếp tục có xu hướng tăng do chất lượng cao, giá thành hợp lý đang là “điểm cộng” để gạo Việt Nam có nhiều lợi thế khi giao dịch trên thị trường quốc tế.
Nếu duy trì tốc độ như hiện tại, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Trong đó, quý 2/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần đảm đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới.
Để tạo ra đột phá trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Ngọc Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 đến 20%.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Phạm Thái Bình phân tích, xuất khẩu gạo là ngành nghề có điều kiện, do đó các doanh nghiệp lúa gạo cần xây dựng mặt hàng có tính chiến lược với chất lượng ổn định để tạo sự phát triển bền vững.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu và ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học - công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP…
Bình An (t/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.