Xuất khẩu gạo sẽ kéo dài đà tăng trưởng đến cuối năm
Thị trường xuất khẩu gạo năm 2023 đã sôi động ngay từ đầu năm. Thị trường tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực giúp xuất khẩu gạo Việt Nam kéo dài đà tăng trưởng trong đó chủ yếu do nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia tiếp tục tăng mạnh.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu như dệt may, thủy sản, da giày và gỗ đang sụt giảm nghiêm trọng thì lúa gạo vẫn là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu quý I/2023. Đặc biệt, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo đúng định hướng, gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng, gạo cao cấp và tiếp tục ghi nhận xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đem lại giá trị cao, giảm tỉ trọng xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp.
Các thị trường xuất khẩu gạo trong quý 1/2023 ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống lẫn thị trường tiềm năng. Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam xuất khẩu.
Quý I/2023 xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 450,4 triệu USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 45,8% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong quý I năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc thu về 199 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ gạo Việt lớn thứ hai trong quý I/2023. Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang các thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Singapore đã tăng trưởng cao, xuất khẩu sang EU cũng ghi nhận tăng trưởng gần 50%, nhiều thị trường tăng mạnh như Hà Lan, Bỉ, Ba Lan.
Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, những tháng cuối năm, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang… khiến các nước tăng cường dự trữ lương thực.
Theo ông Nam, hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng. Tại các nước châu Âu, do xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên, đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng thì nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ Đông Xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt.
Từ tín hiệu nhu cầu từ các thị trường trọng điểm, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá cơ hội - rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo cho nông dân với giá có lợi.
Các doanh nghiệp lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.
Thương Huyền (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.