Xuất khẩu gạo sẽ sôi động trong nửa cuối năm 2022
Đối mặt với nhiều thách thức trong 6 tháng đầu năm song xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tăng 12,3% về lượng và 0,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều doanh nghiệp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo nửa cuối năm sẽ tiếp tục sôi động.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 6/7, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết, xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 vẫn đạt được những kết quả tích cực ngay cả trong tình hình thế giới và trong nước nhiều biến động.
Cụ thể, tính đến hết ngày 15/6/2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 3,11 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng gần 12,3% về lượng và tăng nhẹ 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt. Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu chất lượng cao có xu hướng tăng với tháng 5 nhờ vào nhu cầu cao bất thường khi thị trường lớn Philippines mở hạn ngạch nhập khẩu sớm từ tháng 5 thay vì tháng 6 như mọi năm. Cụ thể, gạo trắng thông dụng có giá 430 - 440 USD/tấn; gạo Jasmine 540 - 550 USD/tấn; gạo trắng 5451 giá 480 - 490 USD/tấn; gạo Nhật 580 - 590 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, so sánh giá gạo có thể thấy, vào đầu tháng 6/2022, gạo 5% tấm Việt Nam thấp hơn gạo Thái Lan tới 32 USD/tấn, gạo 25% tấm của Việt Nam thấp hơn gạo Thái Lan tới 41 USD/tấn.
Dù vậy, giá gạo trong nửa đầu năm nay vẫn có xu hướng tăng do nhu cầu lương thực tăng và ảnh hưởng cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến khách hàng chuyển sang mua gạo của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu khi chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước. Nhờ năm nay Philippines cấp phép nhập khẩu gạo sớm cho các thương nhân và nhu cầu ổn định từ các thị trường chính khác như Trung Quốc, Châu Phi và Cuba khiến thị trường xuất khẩu gạo nửa đầu năm nay rất sôi động với những kết quả đầy lạc quan.
Với những kết quả trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tố,t khi nhiều quốc gia vẫn tăng dự trữ trước lo ngại của xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam tiếp tục khẳng định là quốc gia xuất khẩu gạo lớn cùng với Thái Lan, Ấn Độ và có uy tín trên thị trường quốc tế.
Nhận định thị trường cuối năm tích cực, nhưng ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược và sự điều chỉnh phù hợp.
Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc EU, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.
Huyền My (T/h)Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.