Xuất khẩu gạo tăng 7,6% về lượng nhưng giảm 12,2% về giá trị
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo đạt 4,9 triệu tấn, tăng 7,6% và giá trị trên 2,5 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá gạo xuất khẩu bình quân giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Mặt hàng gạo không chịu áp lực lớn từ thuế suất tại thị trường Mỹ do thị phần nhỏ, tuy nhiên xuất khẩu gạo đang có xu hướng sụt giảm ngay từ đầu năm 2025 do nguồn cung trên thị trường lớn, giá xuất khẩu thấp và các thị trường nhập khẩu đang hạn chế mua vào để chờ giá xuống thấp.
Theo thống kê từ Cục Hải quan, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 6.2025 ước đạt 700 nghìn tấn với giá trị đạt 364,4 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2025 đạt 4,9 triệu tấn và 2,54 tỷ USD, tăng 7,6% về khối lượng nhưng giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân do giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 517,5 USD/tấn, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2024.

Ảnh minh họa: Internet
Thời điểm hiện tại, nguồn cung gạo trên thế giới dồi dào và giá có xu hướng giảm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn giữ mức 382 USD/tấn, bằng với sản phẩm cùng phẩm cấp của Thái Lan. Còn gạo Pakistan thấp hơn 2 USD/tấn và gạo Ấn Độ thấp hơn 8 USD/tấn.
6 tháng đầu năm, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 43,4%. Bờ Biển Ngà và Gana là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 10,7% và 10,5%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines giảm 17,4%, thị trường Bờ Biển Ngà tăng 88,6%, thị trường Gana tăng 61,4%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Bangladesh với mức tăng 293,2 lần và giảm mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức giảm 54,7%.
Về mục tiêu 6 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, mục tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2025 ước đạt 5,7 tỷ USD, trong đó 6 tháng đầu năm cần đạt 2,6 tỷ USD, 6 tháng cuối năm cần đạt 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu xuất khẩu ước tính vào thời điểm tháng 6/2025, khả năng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng gạo có thể sụt giảm hơn so với mục tiêu đặt ra, ước tính chỉ đạt khoảng 5,5 tỷ USD giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, cần tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu, tận dụng lợi thế cạnh tranh để gia tăng thị phần gạo thơm khi Thái Lan và Ấn Độ là hai nhà cung cấp phân khúc này lớn nhất nhì vào thị trường Hoa Kỳ nhưng chịu mức thuế cao.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống có thị phần lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia để giữ thị trường. Doanh nghiệp cần tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm áp lực thuế. Nghiên cứu chuyển dịch mạnh sang các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore (đối với các sản phẩm chế biến như bún, mì, nui, phở); tìm giải pháp giảm chi phí logistic để mở rộng sang các thị trường tiềm năng Ghana, Bờ Biển Ngà và UAE với chủng loại gạo thơm và gạo trắng.
Huyền My (t/h)
Kỳ họp thứ 25 HĐND TP. Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10/7/2025; kỳ họp dành 1/2 ngày (ngày 10/7) để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và những vấn đề bức xúc mà Đại biểu HĐND thành phố và cử tri Thủ đô quan tâm.