Xuất khẩu gạo tăng về lượng, giảm về giá trị
2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 613 triệu USD, tăng 5,9% về lượng nhưng giảm 13,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Những tháng đầu năm 2025, nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi trong thời gian ngắn hạn, các thị trường nhập khẩu lớn đang thận trọng trong dự trữ và thu mua gạo.
Trong nước, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang thu hoạch rộ lúa vụ Đông Xuân nên có hiện tượng giá thu mua lúa giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2024.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 2 ước đạt 560 nghìn tấn, với giá trị 288,2 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo, đạt 613 triệu USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu tăng 5,9% nhưng giá trị lại giảm mạnh 13,6%. Lý do, giá xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm nay chỉ đạt 553,6 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2025 giảm 13,6% về giá trị. Ảnh: Internet
Theo VFA nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá gạo lao dốc là Ấn Độ chấm dứt lệnh hạn chế xuất khẩu và dự kiến thu hoạch vụ mùa bội thu, trong khi sản lượng gạo của Việt Nam, Thái Lan, Pakistan cũng tăng cao, đẩy nguồn cung gạo toàn cầu lên cao vào năm 2025.
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm, Philippines là khách hàng tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 38,6%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường truyền thống này giảm mạnh 35,5%.
Tương tự, khách hàng tiêu thụ gạo lớn thứ hai là Indonesia gần như tạm ngừng mua mặt hàng này của nước ta. Ngược lại, một số thị trường khác lại tăng mua mạnh. Theo đó, xuất khẩu gạo sang Bờ Biển Ngà tăng 8,6 lần, sang Ghana tăng 4,1 lần, sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng đột biến hơn 600 lần.
Theo Bộ NN&MT, dự kiến tổng diện tích gieo cấy lúa nước ta năm nay khoảng 7,03 triệu ha, sản lượng ước đạt 43,14 triệu tấn. Tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước khoảng 4,53 triệu tấn và 6 tháng cuối năm ước 3,012 triệu tấn.
Để đảm bảo việc điều hành cân đối cung cầu lúa gạo trong nước và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân các địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện việc thu mua, xuất nhập khẩu lúa gạo góp phần làm lành mạnh thị trường, đặc biệt là khả năng dự trữ bắt buộc.
Đồng thời, tăng cường các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ gạo trong nước; quan tâm các chương trình, hoạt động, xúc tiến thương mại cấp quốc gia về đào tạo, tập huấn phát triển sản phẩm, thiết kế bao bì nhằm đa dạng hóa các sản phẩm từ gạo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sản xuất đảm bảo sản lượng và diện tích theo kế hoạch đã đặt ra, trước mắt tập trung sản xuất, thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đúng thời vụ; theo dõi sát sao lịch thời vụ và tình hình hạn mặn nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất lúa...
Về dài hạn, tập trung nghiên cứu, cải thiện cơ cấu sản xuất và chất lượng sản phẩm, tập trung vào các giống lúa có chất lượng và giá trị cao, các giống lúa đặc sản.
Huyền My (t/h)
Trong quá trình phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn.