Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 lập mốc kỷ lục mới cả về khối lượng và kim ngạch

Xuất nhập khẩu
08:34 AM 26/12/2024

Năm 2024, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị. Giá gạo xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, Việt Nam đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, khoảng 9 triệu tấn với 5,7 tỷ USD; tăng 11% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với năm 2023. Giá gạo xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn. Giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ba năm vừa qua đã có hành trình tăng ấn tượng, tăng tới trên 28%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng hai con số.

Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ 17 triệu tấn, Thái Lan 10 triệu tấn.

Mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam tăng đột biến, tăng 0,9 triệu tấn so với con số kỷ lục 8,1 triệu tấn của năm 2023, nhưng vẫn chưa thể vượt qua Thái Lan, nên Việt Nam vẫn phải đứng ở vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo.

Nguyên nhân được xác định là do khối lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2024 cũng đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây nhờ vào nhu cầu tăng mạnh từ Indonesia, Philippines và các nước nhập khẩu khác, với tổng lượng xuất khẩu 10 triệu tấn. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về khối lượng gạo xuất khẩu, với 17 triệu tấn trong năm 2024.

Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 lập mốc kỷ lục mới cả về khối lượng và kim ngạch- Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo năm 2024 tăng trưởng vượt bậc, nhưng sẽ phải đối diện nhiều khó khăn trong năm mới. Ảnh: Int

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu tấn, chiếm 40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Philippines là thị trường nhập khẩu lớn gạo Việt Nam rất ưa chuộng gạo thơm nên dù thế giới có nguồn cung tăng từ Ấn Độ nhưng cũng không thay thế được. Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia.

Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần so với năm 2023.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Việt Nam đang tạo dựng ngành hàng lúa gạo với hướng đi khác biệt là tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Nông dân Việt Nam đang tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, được thị trường quốc tế ưa chuộng như Đài Thơm 8, OM 18, các giống ST,… bán được giá, hiệu quả kinh tế cao. Việt Nam cũng nhập rất nhiều gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan… để phục vụ chế biến và tiêu dùng cho phân khúc bình dân. Ngoài ra, còn có nguồn lúa gạo từ Campuchia vừa phục vụ tiêu dùng, vừa xuất khẩu do nước này chưa có hạ tầng chế biến tốt như Việt Nam.

Năm 2024 đang dần khép lại với kết quả xuất khẩu tích cực của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, gạo nổi bật với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 5,7 tỷ USD, đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay. Và đây cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chào và ký kết các hợp đồng bán gạo cho năm 2025.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) – nhận định, xuất khẩu gạo năm 2025 dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn như sự trở lại của Ấn Độ, dự báo nước này có thể xuất khẩu 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024. Về thị trường nhập khẩu, Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, dự báo sẽ giảm nhập khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu gạo rất mạnh trong năm 2024 cũng là điều đáng chú ý. Ông Nguyễn Ngọc Nam kiến nghị ngân hàng quan tâm vấn đề vốn vay và đề nghị ngành thuế sớm hoàn thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam cũng nhận định, năm sau xuất khẩu gạo của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2024 vì nguồn cung gạo thế giới sẽ trở nên dồi dào hơn.

Nhiều nước xuất khẩu gạo trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung lương thực, bên cạnh đó Ấn Độ cũng đã mở lại nguồn cung. Có thể, vì những lý do trên, giá gạo xuất khẩu trung bình có thể giảm xuống dưới 600 USD/tấn.

Ở góc độ khá lạc quan, các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, giá gạo xuất khẩu có thể giảm nhẹ khi nguồn cung phục hồi, nhưng cơ hội của gạo Việt Nam vẫn có bởi chất lượng gạo Việt ngày càng được chú trọng nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của gạo Việt trong thời gian tới.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Phát triển logistics hàng không để thúc đẩy du lịch Việt Nam Phát triển logistics hàng không để thúc đẩy du lịch Việt Nam

Ngày 26/12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) đã tổ chức "Diễn đàn dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam".