Xuất khẩu giày dép năm 2023 thu về hơn 20,2 tỷ USD
Năm 2023, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã mang về hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022.
Với số liệu trên, hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới.
Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…
Xét về thị trường nhập khẩu, Mỹ, Trung Quốc và Bỉ lần lượt là 3 thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam. Cụ thể trong năm 2023, Mỹ đã chi hơn 7,1 tỷ USD nhập khẩu giày dép từ Việt Nam, giảm 25,5% so với năm 2022. Trung Quốc là thị trường đứng thứ 2 và là một trong số ít thị trường chứng kiến mức tăng trưởng dương. Trị giá xuất khẩu sang láng giềng đạt 1,8 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2022.
Đứng thứ 3 là thị trường Bỉ với hơn 1,2 tỷ USD, giảm 26% so với năm trước. Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn đối với ngành giày dép Việt Nam. Nguyên nhân đến từ các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản bị suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm, đặc biệt số lượng các mặt hàng tồn kho khá lớn.
Ngành công nghiệp da giày Việt Nam đã trải qua những bước tiến vượt bậc trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, các thỏa thuận thương mại tự do như CPTPP và EVFTA mang lại cơ hội xuất khẩu lớn hơn, giúp thúc đẩy tăng trưởng ngành.
Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, hàng rào thuế quan đối với giày dép Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ giảm dần về 0%, mở ra cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu và thị phần tại EU. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu có thể tăng gấp đôi so với hiện tại, từ đó tạo nhiều công ăn việc làm và sử dụng nhiều lao động hơn.
Hơn nữa, Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm hiểu về khả năng đầu tư sản xuất giày dép tại Việt Nam để hưởng ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do. Việt Nam cũng có điều kiện thu hút đầu tư từ các nước EU vào lĩnh vực máy móc thiết bị, cung cấp cơ sở hạ tầng cho ngành, và tiếp cận công nghệ sản xuất giày cao cấp.
Trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam (trong đó có giày dép) phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Mặc dù nhiều khó khăn bủa vây, nhưng da giày đang được xác định là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới. Mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38-40 tỷ USD.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.