Xuất khẩu giày dép Việt Nam sang Chile đạt hơn 103 triệu USD
Giữ vị trí thứ 6 trong Top thị trường xuất khẩu giày dép lớn của Việt Nam, Chile là thị trường đầy tiềm năng của da giày Việt Nam.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại của nước ta đạt hơn 1,5 tỷ USD trong tháng 9, giảm 24,6% so với tháng trước đó. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm mặt hàng này đã thu về hơn 16,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường, Mỹ đang trở thành khách hàng lớn nhất của giày dép Việt Nam với hơn 6,1 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ USD, tăng 6% so với 9T/2023. Hà Lan đứng thứ 3 với mức tăng mạnh 71%, đạt hơn 1,1 tỷ USD.
Riêng với thị trường Chile, Việt Nam đã xuất khẩu trên 103 triệu USD giá trị mặt hàng giày dép sang thị trường này.
Dù đứng vị trí thứ 6 trong Top thị trường xuất khẩu giày dép của Việt Nam thuộc khối Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng Chile vẫn là thị trường đầy tiềm năng của da giày Việt Nam.
Trong CPTPP, đối với mặt hàng giày dép, Chile cam kết lộ trình xóa bỏ thuế quan dài nhất là 4 năm (danh mục B4). Tuy nhiên, ngoài CPTPP, Việt Nam còn ký với Chile Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA), có hiệu lực từ năm 2014. Vì vậy, các mặt hàng giày dép xuất khẩu từ Việt Nam sang Chile đã được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn vào năm thứ 5 kể từ khi VCFTA có hiệu lực (nghĩa là vào năm 2019).
Dù mặt hàng giày dép của Việt Nam có nhiều lợi thế cho xuất khẩu sang Chile, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rào cản phi thuế quan như yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định về nhãn mác. Hơn nữa, Chile là một thị trường mở cửa, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất muốn xuất khẩu vào đây.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Chile, Bộ Công Thương lưu ý, doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu kỹ về thị trường để hiểu rõ nhu cầu và xu hướng tiêu dùng, cũng như cập nhật chính sách kinh tế - thương mại - đầu tư của Chile thông qua các cơ quan, đơn vị hỗ trợ của nhà nước như Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile, Đại sứ quán Chile tại Việt Nam...
Cùng đó, tích cực tham gia xúc tiến thương mại - đầu tư, kết nối giao thương với đối tác Chile để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh; chú ý tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu an toàn thực phẩm và chứng nhận xuất xứ của Chile. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý xuất khẩu và logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và đảm bảo giao hàng đúng hẹn. Ngoài ra, chú trọng đến chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm qua kênh truyền thông và sự kiện quốc tế để gia tăng sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam tại Chile.
Mặt khác, doanh nghiệp cần hiểu rõ về VCFTA và CPTPP để tận dụng cơ hội và ưu đãi từ hiệp định, cũng như nắm vững quy định về xuất khẩu, nhất là rào cản thương mại, thuế quan, thủ tục hải quan tại Chile để giảm thiểu chi phí phát sinh và tránh sự cố không mong muốn trong quá trình xuất khẩu.
An Mai (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.