Xuất khẩu gỗ cao nhất có thể đạt 14,5 tỷ USD
Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt thêm 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 lên khoảng 14 -14,5 tỷ USD.
Tại họp báo về Triển lãm Quốc tế máy móc và thiết bị ngành công nghiệp chế biến gỗ (VietnamWood 2023) tổ chức chiều 13/9, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ diễn biến không mấy tích cực, tình trạng thiếu hụt đơn hàng phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp. Trong 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt khoảng 8,3 tỷ USD, giảm gần 26% so với cùng kỳ.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định ngành gỗ đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, cạn kiệt dòng tiền, đối mặt với các rào cản thương mại từ Mỹ và xuất hiện rào cản mới của thị trường EU...
Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ trong 7 tháng đầu năm 2023, tuy nhiên do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng hầu hết các nền kinh tế lớn tăng trưởng thấp do tổng cầu suy giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.
Do vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm có thể sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2023 khó có thể đạt mục tiêu 17 tỷ USD như đã đề ra hồi đầu năm.
Tuy nhiên, từ tháng 5/2023 đến nay, tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi khả quan, bình quân mỗi tháng có thể đạt trên 1,2 tỷ USD/tháng. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt thêm 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 lên khoảng 14 -14,5 tỷ USD.
Trong bối cảnh sức ép đơn hàng lớn nhưng lượng công nhân có xu hướng giảm dần, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã ưu tiên đầu tư máy móc tương đối nhiều vào những năm gần đây. Theo số liệu từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cũng đang nhập rất nhiều máy móc, thiết bị, với doanh số lên tới khoảng 240 triệu USD, chủ yếu đến từ Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tuy nhiên, với tiềm năng của ngành cũng như so với các quốc gia xuất khẩu gỗ khác, việc đầu tư máy móc thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tương xứng. Do đó, việc tìm kiếm thông tin về thiết bị máy móc tiến tiến trong ngành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đang được nhiều doanh nghiệp gỗ lưu ý.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.