Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,6% trong nửa tháng đầu năm

Xuất nhập khẩu
11:00 AM 06/02/2025

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ ngày 1/1/2025 đến ngày 15/1/2025 đạt 738,8 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ ngày 1/1/2025 đến ngày 15/1/2025 đạt 738,8 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 500,7 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,6% trong nửa tháng đầu năm- Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ thu về hơn 738 triệu USD trong nửa tháng đầu năm 2025. Ảnh: Internet

Năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2023.

Nếu so sánh với con số kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 (15,8 tỷ USD), kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2024 đã vượt khoảng 500 triệu USD. Cùng với gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 1,04 tỷ USD trong năm 2024, giúp tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 17,3 tỷ USD.

Có thể nói, năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, vượt qua nhiều thách thức để tiến gần đến mục tiêu đề ra. Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành gỗ, chủ động tìm kiếm thị trường, tham gia hội chợ triển lãm và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tiêu dùng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu phục hồi, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ, đã tạo cơ hội cho ngành gỗ tăng tốc xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam đã thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng và mở rộng hiện diện tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ.

Trong năm 2025, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đánh giá triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tích cực với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD.

Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.

Các thị trường xuất khẩu chính mang lại triển vọng xuất khẩu cho ngành gỗ, trong đó, dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ. Tiếp theo là thị trường EU, Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) tiếp tục mang lại lợi thế thuế quan, mở rộng cơ hội cho gỗ và sản phẩm chế biến. Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tăng cao do sự phát triển đô thị hóa và xây dựng.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn