Xuất khẩu hàng hóa cần thêm trợ lực để có sức tăng trưởng tốt

Xuất nhập khẩu
04:47 PM 01/03/2023

Dù tháng 2 đã lấy lại được đà tăng trưởng song hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lại giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, các doanh nghiệp đang cần thêm những trợ lực, đặc biệt về chính sách, để có sức tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Xuất khẩu hàng hóa cần thêm trợ lực để được khơi thông, có sức tăng trưởng tốt - Ảnh 1.

Nguồn Tổng cục Thống kê

Dù tình hình xuất khẩu hàng hóa tháng 2 khởi sắc song theo số liệu của Tổng cục Hải quan vào ngày 15/2, xuất khẩu một số nhóm hàng chủ lực của Việt Nam có dấu hiệu giảm mạnh như hàng dệt may giảm 845 triệu USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 664 triệu USD (giảm 35,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 574 triệu USD (giảm 10%); sắt thép các loại giảm 352 triệu USD (giảm 34,8%), thuỷ sản giảm 30%...

Bối cảnh lạm phát tăng cao trên toàn cầu, khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm… là nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam giảm mạnh. Đây là thách thức không nhỏ đặt ra cho mục tiêu xuất khẩu năm nay.

Hiện, mối quan tâm của các doanh nghiệp trong nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực là loại bỏ các rào cản về chính sách, thị trường, những rào cản nội bộ cấp DN và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đặc biệt là cần tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ về tín dụng, dòng vốn, thuế, phí, xúc tiến thương mại... để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.

Đề cập đến thuế và chính sách, nhiều doanh nghiệp cho rằng, giữa khó khăn về thị trường xuất khẩu, họ không xin quá nhiều về chính sách giảm thuế mà chỉ cần cơ chế thông thoáng hơn để không bế tắc dòng vốn. Điều này sẽ giải được một phần bài toán duy trì sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn, để sau đó có thể tận dụng cơ hội khi thị trường xuất khẩu phục hồi.

Ví dụ, mới đây, khi góp ý vào Dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề xuất, nếu có thể thì nên cho phép gia hạn 6 tháng thời điểm nộp toàn bộ các kỳ kê khai và nộp thuế trong năm 2023. Bởi lẽ, Dự thảo hiện tại vẫn đang quy định thời điểm cuối cùng phải nộp thuế là 31/12/2023.

Việc dồn toàn bộ nghĩa vụ nộp thuế vào dịp cuối năm, tập trung vào tháng 12 gây nhiều khó khăn về dòng tiền cho các DN. Thông thường, đây là dịp các DN cần nhiều vốn lưu động ngắn hạn để chuẩn bị cho các đơn hàng. Trong khi đó, năm 2023 được dự đoán sẽ tiếp tục là một năm khó khăn về dòng vốn đối với các DN trong nhóm ngành hàng XK chủ lực do những biến động kinh tế vĩ mô tại Việt Nam và trên thế giới. Điều này tạo áp lực rất lớn cho nền kinh tế nói chung và cho các DN nhóm ngành hàng XK chủ lực nói riêng.

Chính vì vậy, để hoạt động xuất khẩu của nhóm ngành hàng chủ lực được khơi thông, có sức tăng trưởng tốt giữa nhiều thách thức phía trước thì việc có thêm trợ lực từ việc gỡ vướng ở khâu chính sách là rất cần thiết.

Xuất khẩu hàng hóa cần thêm trợ lực để được khơi thông, có sức tăng trưởng tốt - Ảnh 2.

Xuất khẩu hàng hóa cần thêm trợ lực để được khơi thông, có sức tăng trưởng tốt. Ảnh: Internet

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu trong thời gian tới, bên cạnh việc giữ vững các thị trường truyền thống, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, mặt hàng mới như các thị trường Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh để hàng Việt Nam vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng thế giới.

Có thể thấy thị trường mới đang là mảnh đất tiềm năng để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội. Như tại thị trường châu Phi, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria đạt hơn 141 triệu USD, giảm 7,8% so với năm 2021. Những mặt hàng xuất khẩu chính là cà phê, hóa chất, hàng thủy sản, kim loại và sản phẩm, hạt tiêu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, với thị trường châu Á, châu Phi, để tận dụng tốt các FTA thì doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho hàng hoá xuất khẩu. Cùng với đó, phải đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan và coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ - thị trường có sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân… Hoặc thị trường châu Phi với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lên đến 600 tỷ USD/năm nhưng Việt Nam mới khai thác được 0,6% thị phần.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn