Xuất khẩu hàng hóa của Thanh Hóa vượt mốc 2,8 tỷ USD
Hiện nay hoạt động xuất khẩu của các nhóm hàng chủ lực của Thanh Hóa vẫn được duy trì tốt, trong 5 tháng đầu năm 2025, đã ghi nhận những kết quả tích cực, bất chấp bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hoá, trong tháng 5/2025, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 661,093 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của Thanh Hóa ước đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ và đạt 35,5% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ trọng chủ yếu.

Hàng hóa được xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Trong tháng 5, nhiều nhóm hàng xuất khẩu hàng hoá chủ lực của tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tăng so với cùng kỳ như: thịt súc sản; chả cá surimi; dăm gỗ; dệt may; giầy dép; xi măng; nông sản đóng hộp, các sản phẩm sau lọc hoá dầu… Trong đó, giày xuất khẩu đạt 180 triệu đôi (tăng 24%), hàng may mặc đạt 223,7 triệu sản phẩm (tăng 23%), thuốc lá 12,8 triệu bao (tăng 17%), P-xylen 290,7 nghìn tấn (tăng 16%), dăm gỗ 461,1 nghìn m³ (tăng 14%) và benzen 73,1 nghìn tấn (tăng 9%).
Ở chiều ngược lại, tổng giá trị nhập khẩu của Thanh Hóa đạt hơn 4,3 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm phần lớn trong cơ cấu nhập khẩu với giá trị ước đạt hơn 4,2 tỷ USD, bằng 96,4% so với cùng kỳ.
Thị trường hàng hóa nội địa Thanh Hoá tiếp tục ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong tháng 5/2025 ước đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 5,71% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 5 tháng đầu năm, con số này đạt 84.800 tỷ đồng, tương đương 40,6% kế hoạch năm và tăng 9,11% so với cùng kỳ.
Thanh Hóa hiện có 304 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, với 55 nhóm ngành hàng xuất khẩu tới 68 thị trường quốc tế. Các lĩnh vực chủ lực gồm: giày dép, may mặc, nông sản, vật liệu xây dựng... Nhiều doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II, quý III, thậm chí một số đã có đơn hàng kín đến hết quý 4/2025.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá dự báo quý II/2025 hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc Mỹ áp thuế đối ứng. Nhằm đảm bảo mục tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 8 tỷ USD trong năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện linh hoạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Trong thời gian chờ đợi kết quả đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, ngành công thương tỉnh khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, đa dạng hóa đối tác, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các thị trường lớn.
Yến Hoàng
Hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân.