Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đan Mạch tăng trưởng mạnh

Xuất nhập khẩu
02:07 PM 25/06/2022

Thời gian gần đây, Đan Mạch trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đan Mạch luôn tăng trưởng ổn định, với những kết quả đáng ghi nhận.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam: Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đan Mạch đạt khoảng 318,53 triệu USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch đạt khoảng 227,2 triệu USD, tăng 53,6%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Đan Mạch đạt 91,33 triệu USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính riêng mặt hàng thủy sản, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đan Mạch đạt 8,2 triệu USD, tăng 79% so với tháng 5/2021, mức cao nhất theo tháng kể từ trước đến nay. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đan Mạch đạt 33 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19, nhưng tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Đan Mạch vẫn đạt 842,37 triệu USD, tăng 18% so với năm 2020.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đan Mạch tiếp tục tăng trưởng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Đan Mạch phải kể đến như: hàng dệt, may, hàng thủy sản, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác,... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Đan Mạch các sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, hàng thủy sản, sản phẩm từ sắt thép…

Quan hệ thương mại Việt Nam - Đan Mạch đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, với tổng kim ngạch thương mại song phương tăng 5,8 lần trong giai đoạn 2000-2020.

Đặc biệt, khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi sẽ mang lại tác động tích cực cho hai nước, tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Đan Mạch, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Hàng hóa của Việt Nam sẽ có cơ hội và sức cạnh tranh cao hơn ở thị trường EU nói chung và Đan Mạch nói riêng.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Latvia), các ngành kinh tế thế mạnh của Đan Mạch gồm vận tải biển, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng biển, chế tạo thiết bị năng lượng, xi măng, công nghiệp dược, chế biến thủy sản và thực phẩm, sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng gió và năng lượng tái tạo, môi trường và công nghệ xanh – sạch, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng.

Đây đều là những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam và nhiều cơ hội để hai nước có thể hợp tác phát triển mạnh mẽ.

Về đầu tư, Đan Mạch tiếp tục vươn lên vị trí thứ ba trong các nước đầu tư vào Việt Nam lớn nhất từ đầu năm 2022 đến nay với 3 dự án mới có tổng vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD. Hiện nay, các doanh nghiệp Đan Mạch đang rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh như năng lượng tái tạo, nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Đan Mạch, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại. Qua đó, nắm bắt và khai thác thị trường, duy trì tốc độ tăng trưởng và mở rộng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.