Xuất khẩu hàng hóa dự báo vượt mốc 400 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
08:37 AM 05/12/2024

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục phục hồi. Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm nay có thể vượt mốc 400 tỷ USD.

Báo cáo mới công bố của UOB dự báo xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ tăng 18%, cao nhất kể từ năm 2021. Vào năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với 2022, theo Tổng cục Thống kê.

Do vậy, dự báo của UOB đồng nghĩa kết quả năm nay có thể xấp xỉ gần 420 tỷ USD. Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11, kim ngạch xuất khẩu đã xấp xỉ cả năm ngoái, đạt 352,38 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2023.

Một số nhóm hàng đóng góp nổi bật như: máy vi tính, điện tử và linh kiện tăng 12,79 tỷ USD (26,1%); máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng 8,08 tỷ USD (21,7%). Cùng với đó, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng trưởng hai con số.

Xuất khẩu hàng hóa dự báo vượt mốc 400 tỷ USD- Ảnh 1.

Xuất khẩu dự báo vượt mốc 400 tỷ USD. Ảnh: Int

Tính đến hết 15/11, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 329,1 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Theo UOB, tăng trưởng thương mại năm nay một phần nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục mở rộng.

10 tháng đầu năm, 27,3 tỷ USD FDI đăng ký vào Việt Nam. Vốn thực hiện đang trên đà trở thành năm thứ ba liên tiếp đạt mức kỷ lục. "Các dữ liệu được công bố mới nhất cho thấy quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam vẫn đi đúng hướng", UOB nhận xét.

Hiện sản xuất trong nước phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, trong quý IV/2024 các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gia tăng vào cuối năm sẽ kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh, có thể dẫn tới nhập siêu trong ba tháng cuối năm, làm suy giảm mức thặng dư của cán cân thương mại hàng hoá cả năm.

Năm 2023, cán cân thương mại hàng hoá xuất siêu 27,78 tỷ USD, góp phần rất quan trọng trong tăng trưởng GDP đạt 5,05%. Để hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2024 đóng góp cho tăng trưởng GDP cao hơn mức tăng của năm trước, khi đó cán cân thương mại cả năm 2024 phải xuất siêu vượt mức 27,78 tỷ USD của năm trước.

Để phát huy tối đa động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt.

Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu; nâng cao hiệu quả công tác thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và thực hiện đầy đủ cam kết từ các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; tập trung xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín.

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường, duy trì cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ở mức cao nhất có thể.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng Giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng

Năm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đã phục hồi tích cực trên cơ sở gia tăng các đơn hàng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.