Xuất khẩu hàng Việt sang EU: Cần chiến lược căn cơ, bài bản

Xuất nhập khẩu
08:35 AM 05/05/2025

Để gia tăng xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực đổi mới, xây dựng kế hoạch bài bản để tận dụng cơ hội thị trường và lợi thế to lớn mà EVFTA mang lại.

EU là một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất thế giới với dân số hơn 740 triệu người, GDP đạt hơn 18 nghìn tỷ USD. Ðây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với nhiều ngành hàng có thế mạnh như giày dép, dệt may, hàng nông sản, hàng điện tử tiêu dùng,...

Xuất khẩu hàng Việt sang EU: Cần chiến lược căn cơ, bài bản - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong quý I/2025, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của với kim ngạch ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, nhiều dự báo cho thấy lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu vào EU năm 2025 và 2026 dự kiến sẽ phục hồi rõ rệt ở mức 2,5% và 3%.

Đặc biệt, cơ hội lớn nhất của xuất khẩu Việt Nam nằm ở Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Hiệp định EVFTA sẽ bước vào năm thứ 5 vào tháng 8/2025.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang EU, tăng vọt từ 35 tỷ Euro năm 2019 lên gần 51 tỷ Euro năm 2024. Từ năm 2021 tới nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam của hầu hết các nước EU đều tăng. Đến thời điểm này, nhiều thị trường xuất khẩu chủ chốt trong khối EU của nước ta đã đạt kim ngạch hơn 3 tỷ USD như Hà Lan (chiếm 24,56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU), Ðức (chiếm 15,49%), Italia (chiếm gần 10%),…

Dù vậy, dư địa của thị trường EU còn rất lớn khi tỷ trọng hàng Việt Nam tại thị trường này vẫn thấp. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng thương mại thời gian qua của Việt Nam và khối này vẫn chỉ dừng ở mức ổn định, khoảng 10% - 15%. Hàng Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng 2,5% tổng nhập khẩu của EU.

Giữa làn sóng rào cản thương mại và bảo hộ gia tăng, Tham tán Thương mại tại Hà Lan Ngọc Diệp nhấn mạnh: EVFTA trở thành "lá chắn" chiến lược giúp hàng hóa Việt giữ vững chỗ đứng tại EU. Những ngành hưởng lợi trực tiếp gồm dệt may, da giày; thủy sản, nông sản chế biến; đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ; thiết bị điện, điện tử sẽ tiếp tục là những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trên tại thị trường Hà Lan/EU.

Theo Tham tán Võ Thị Ngọc Diệp, chính sách thuế mới của Mỹ tuy là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một thị trường nhất định và các đơn hàng ngắn hạn.

Đây chính là thời điểm mà DN Việt cần thực sự nghiêm túc tăng tốc: chuyển đổi mô hình cạnh tranh từ giá rẻ sang chất lượng - bền vững - truy xuất nguồn gốc, đầu tư vào tiêu chuẩn châu Âu như nhãn sinh thái (eco-label), dấu chân carbon (carbon footprint) hay chứng chỉ CSR để gia tăng niềm tin từ người tiêu dùng EU.

Còn theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, DN cần phải có chiến lược căn cơ, bài bản để tiếp cận thị trường EU, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thuế quan. Chính phủ sẽ triển khai các biện pháp chống lẩn tránh thuế, kiểm soát luồng thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng nhằm ngăn chặn giả mạo xuất xứ.

Đặc biệt, các tham tán thương mại ở EU khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng tối ưu hóa EVFTA để tận dụng ưu đãi thuế trước khi các đối thủ cạnh tranh kết thúc đàm phán, thực thi FTA trong thời gian tới (EU và Ấn Độ, EU và Thái Lan đều có mục tiêu hoàn tất đàm phán FTA trong năm 2025, EU và Indonesia đã hoàn thành vòng đàm phán thứ 19) và định vị thương hiệu hàng Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn