Xuất khẩu hạt điều kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng

Xuất nhập khẩu
11:45 AM 14/09/2024

Dù Việt Nam hiện đang giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều nhưng vị thế đó đang bị lung lay và đứng trước nguy cơ nhập siêu. Khoảng 90% nguyên liệu phục vụ sản xuất của ngành điều Việt Nam là nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều 8 tháng năm 2024 đạt 486.470 tấn, tương đương gần 2,78 tỷ USD, giá trung bình 5.706 USD/tấn, tăng 22,9% về khối lượng, tăng 21,8% về kim ngạch nhưng giảm 0,9% về giá so với 8 tháng đầu năm 2023.

Xuất khẩu hạt điều kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng- Ảnh 1.

Ảnh: Công Thương

Riêng tháng 8/2024 ước đạt 64.560 tấn, tương đương 408,44 triệu USD, giá trung bình 6.326 USD/tấn, giảm 3,5% về lượng, giảm 1% kim ngạch và tăng 2,6% về giá so với tháng 7/2024; còn so với tháng 8/2023 thì tăng 6,2% về lượng, tăng 21,9% kim ngạch và tăng 14,8% về giá.

8 tháng qua, hạt điều xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ, chiếm gần 28% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 134.109 tấn, tương đương gần 762,72 triệu USD, tăng 29,3% về lượng và tăng 28,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc đạt 82.863 tấn hạt điều, thu về 464,39 triệu USD, tăng 43,5% về lượng và tăng 28,9% về kim ngạch so với cùng kỳ; xuất sang thị trường Hà Lan 44.839 tấn, tương đương 261,13 triệu USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 14,9% về kim ngạch; Đức 16.978 tấn, tương đương 94,97 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 22,6% về kim ngạch.

Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định, xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ tăng trong các tháng của quý IV/2024 nhờ nhu cầu thế giới tăng. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ có dấu hiệu phục hồi, tồn kho giảm mạnh sẽ kéo theo nhập khẩu tăng.

Việt Nam hiện giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều. Với những kết quả khả quan trong 8 tháng năm 2024, ngành điều đang kỳ vọng vào con số kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD cho cả năm 2024.

Dù vậy, Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu điều hạt đang tăng và vẫn có chênh lệch so với kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu nhưng khoảng cách đã dần thu hẹp. Trong 8 tháng qua, ngành điều đã chi 2,7 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu điều thô để chế biến, có thể thấy xuất và nhập đang tiến gần bằng nhau.

Thực tế, vùng nguyên liệu trong nước ngày càng thu hẹp, chỉ đáp ứng được khoảng 10 - 12% nhu cầu nguyên liệu điều thô cho các nhà máy. 90% nguyên liệu phải dựa vào nguồn nhập khẩu từ châu Phi, Campuchia… Mấy năm trước, nguồn cung khá lớn nhưng năm nay hạn hán mất mùa, sản lượng hạt điều sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, chính sách xuất khẩu hạt điều thô của các nước châu Phi cũng siết chặt hơn, vì vậy giá bán điều thô có lúc đã tăng lên 50%. Hiện nay giá điều thô cũng giảm đôi chút nhưng tính ra vẫn đang tăng đến 40%. Trong khi đó, giá điều nhân xuất khẩu mặc dù có tăng, một số khách hàng đồng ý thương lượng nâng lên một chút nhưng vẫn không thể nào bằng với tốc độ tăng giá nguyên liệu. Tình hình này lý giải vì sao kim ngạch nhập khẩu hạt điều đang dần bắt kịp kim ngạch xuất khẩu.

Nhiều năm qua, Việt Nam dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu, nhưng vị thế đó đang lung lay và chắc chắn sẽ mất nếu không kịp thời thay đổi. 

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, ngành điều Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ nhập siêu rất cao.

Để ngành điều đạt được mục tiêu đặt ra và "thoát bẫy" nhập siêu, các chuyên gia khuyến cáo, trong thời gian tới, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm điều chế biến sâu, chất lượng cao, từ đó tiếp cận được nhiều khách hàng khó tính và bán được giá tốt hơn.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn