Xuất khẩu hạt điều kỳ vọng lấy lại mốc kỷ lục của năm 2021
Kim ngạch xuất khẩu hạt điều đang duy trì đà tăng qua các năm, các chuyên gia kỳ vọng hạt điều sẽ lấy lại được mốc kỷ lục xuất khẩu của năm 2021 nếu giữ vững được đà tăng trưởng hiện tại.
Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch kim ngạch xuất khẩu hạt điều ước đạt 1,16 tỷ USD, tăng 21,82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt mức 5.354 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng trước đó, nhưng giảm 9,8% so với tháng 3/2023. Tính chung quý I/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.368 USD/ tấn, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Ả rập Xê út.
Cục xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tăng trong các tháng của quý II/2024 nhờ nhu cầu thế giới tăng. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại Hoa Kỳ có dấu hiệu phục hồi, tồn kho giảm mạnh sẽ kéo theo nhập khẩu tăng. Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều.
Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Cục Xuất nhập khẩu kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu hạt điều năm 2024 sẽ lấy lại mốc kỷ lục của năm 2021 và hướng tới mức kỷ lục mới 3,8 tỷ USD.
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục về giá trị vào năm 2021, với 3,63 tỷ USD. Tuy nhiên, nhịp tăng bị phá vỡ khi năm 2022, xuất khẩu hạt điều giảm 10,3% về lượng và 15,1% về giá trị, đạt 519.782 tấn và 3,08 tỷ USD. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điều tăngtrở lại 18% so với năm 2022, đạt 3,6 tỷ USD.
Việt Nam hiện vẫn duy trì vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng nhân điều được xuất khẩu trên toàn cầu và đang là quốc gia làm chủ về công nghệ chế biến.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành điều, Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp ngành điều cần đầu tư vào việc phát triển vùng nguồn nguyên liệu. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc hỗ trợ và ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và giảm sự phụ thuộc vào nguồn hạt điều nhập khẩu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho hạt điều xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, cần tăng cường liên kết và kết nối nguồn lực, nhằm chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động chế biến sâu với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu và thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.