Xuất khẩu hồ tiêu đạt gần 1,2 tỷ USD
Với kết quả 1,16 tỷ USD đạt được trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đã vượt được mốc 1 tỷ USD sau 10 năm và dự báo cả năm 2024 sẽ lập mốc kỷ lục mới với 1,3 tỷ USD.
Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), nửa đầu tháng 11/2024 (từ 1/11 đến 15/11), Việt Nam đã xuất khẩu 8.082 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 55,4 triệu USD.
So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 1,9% (tiêu đen giảm 3,3%, tiêu trắng tăng 10,8%), tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 48,0%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 4.971 USD/tấn, tăng 1.528 USD và tiêu trắng đạt 6.626 USD/tấn, tăng 1.671 USD so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, từ đầu năm đến thời điểm giữa tháng 11/2024, xuất khẩu hồ tiêu thu về 1,1674 tỷ USD.
Nedspice, Trân Châu và Olam Việt Nam là 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất nửa đầu tháng 11, lần lượt đạt 988 tấn, 895 tấn và 865 tấn.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ đạt 2.362 tấn, chiếm 29,2% thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, nửa đầu tháng 11/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 2.484 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 14,3 triệu USD, so với nửa đầu tháng 10 lượng nhập khẩu tăng 8,2%.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhập khẩu tăng 27,1%, kim ngạch tăng 78,5%. Đến thời điểm giữa tháng 11/2024, Việt Nam chi 145,6 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu.
Olam Việt Nam và Harris Spice là hai doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu, đạt 894 tấn, chiếm 36,0% và 530 tấn, chiếm 21,3%. Trong khi đó, Indonesia tiếp tục là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 82,3%, đạt 2.045 tấn.
VPSA cho biết, xuất khẩu hồ tiêu đã giành lại được mốc 1 tỷ USD sau 10 năm và dự báo cả năm 2024 sẽ lập mốc kỷ lục mới với 1,3 tỷ USD.
Cả nước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Toàn ngành hàng có 14 nhà máy chế biến sâu. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu.
Công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới nói chung. Các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA đã tạo ra sản phẩm đa dạng: Tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ.
Tuy nhiên, về tổng thể, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, giá trị thấp hơn giá bán của Ấn Độ, Malaysia. Nếu ngành hàng hồ tiêu Việt Nam được tổ chức chế biến tốt hơn sẽ gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá hồ tiêu Việt Nam sẽ tương đương và có thể cao hơn giá của một số nước trên thế giới.
Vì vậy, Hiệp Hội hồ tiêu Việt Nam khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.
Minh An (t/h)Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam góp mặt trong Top 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới với vị trí 23.