Xuất khẩu hoa và lá cây mang về hơn 43 triệu USD cho Việt Nam

Xuất nhập khẩu
04:04 PM 28/07/2025

Dù không thuộc nhóm nông sản chủ lực, xuất khẩu hoa và lá cây của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm 2025 với tổng kim ngạch vượt 43 triệu USD.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hoa tươi đạt gần 38 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng lá cây, vốn không được chú trọng nhiều trong các năm trước, cũng mang về hơn 5,2 triệu USD, tăng trưởng 36%.

Xuất khẩu hoa và lá cây mang về hơn 43 triệu USD cho Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong đó, hiện nay, hoa trồng tại Đà Lạt đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Australia. 

Hoa Việt Nam được đánh giá cao nhờ độ bền, màu sắc tươi sáng và cánh hoa dày, đáp ứng tốt yêu cầu của nhiều thị trường khó tính.

Trong cơ cấu mặt hàng hoa xuất khẩu, hoa cúc tiếp tục giữ vai trò chủ lực, với mức tăng trưởng hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số loại hoa khác như cẩm chướng, hồ điệp, cát tường cũng ghi nhận mức tăng nhẹ từ 6% đến 11%.

Ở mảng lá cây xuất khẩu, sản phẩm này đang ngày càng được thị trường quốc tế quan tâm, từ các căn bếp của cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài cho đến các nhà hàng châu Á tại châu Âu. Trong đó, lá nguyệt quế, loại gia vị quen thuộc trong các món súp và cà ri, đạt mức tăng trưởng 142% và trở thành điểm nhấn trong nhóm sản phẩm này. Bên cạnh đó, các loại lá tre và lá chuối cũng có mức tăng lần lượt hơn 52%.

Theo các chuyên gia, nhóm sản phẩm hoa và lá cây còn nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh ẩm thực châu Á và sự hiện diện của cộng đồng người Việt ngày càng mở rộng trên toàn cầu.

Để phát triển hoa cây cảnh thành ngành kinh tế bền vững, tại “Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 - Vì một ngành hoa cây cảnh Việt Nam hiện đại, bền vững và vươn tầm quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm. 

Một là hoàn thiện thể chế, chính sách công nhận hoa cây cảnh là ngành kinh tế chính thức; xây dựng chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế; rà soát sửa đổi Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hai là tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh tại các địa phương có lợi thế; khuyến khích hợp tác xã, chuỗi liên kết với doanh nghiệp trung tâm; xây dựng hệ sinh thái ngành hoa có truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn bền vững.

Ba là ứng dụng khoa học công nghệ tron nghiên cứu giống mới; áp dụng công nghệ cao như nhà kính, tưới nhỏ giọt, nuôi cấy mô, AI, IoT; xây dựng trung tâm công nghệ, vườn ươm và trạm bảo quản hiện đại.

Bốn là ngành hàng cần phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, mở rộng tiêu thụ nội địa qua thương mại điện tử, kết hợp du lịch sinh thái; đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia và mạng lưới sàn giao dịch hoa kết nối khu vực, quốc tế.

Cuối cùng, phát triển nguồn nhân lực cần đào tạo kỹ năng nghề cho nông dân, nghệ nhân; mở chương trình đào tạo chuyên sâu tại các trường; phát huy vai trò viện nghiên cứu, các tổ chức chuyên ngành trong đào tạo và tư vấn chính sách.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn