Xuất khẩu LNG toàn cầu tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2015
Theo Bloomberg, xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu hiện tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2015. Điều này có thể khiến giá khí đốt duy trì ở mức cao, ảnh hưởng tới việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Theo dữ liệu do Kpler tổng hợp, lượng khí LNG vận chuyển hằng năm dự kiến sẽ tăng 0,4% lên khoảng 414 triệu tấn trong năm nay. Sự chậm trễ của các dự án tại Hoa Kỳ và lệnh trừng phạt đối với cơ sở mới nhất của Nga đã hạn chế nguồn cung mới vào thị trường.
Thị trường LNG đã được cân bằng tốt kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine năm 2022 cắt dòng khí đốt của Nga đến châu Âu, khiến lục địa này phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu siêu lạnh. Việc xuất khẩu LNG chậm lại đã khiến thị trường bị ảnh hưởng bởi giá tăng đột biến.
Tuy nhiên, thị trường có thể tích cực hơn vào năm 2025 khi nguồn cung mới từ các dự án của Hoa Kỳ tăng cường sản xuất và một cơ sở khác bắt đầu hoạt động tại Canada. Nhà máy Plaquemines của Venture Global LNG Inc. đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào tuần trước và nhà máy Corpus Christi của Cheniere Energy Inc. đã bắt đầu sản xuất từ giai đoạn mở rộng đầu tiên vào ngày 30/12/2024.
Dữ liệu của Kpler cho thấy, Hoa Kỳ là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, vận chuyển kỷ lục 87 triệu tấn vào năm 2024, gần bằng năm 2023.
Trung Quốc là nước mua LNG lớn nhất trong hai năm liên tiếp. Theo dữ liệu, nước này đã nhập khẩu hơn 78 triệu tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này vẫn thấp hơn so với năm 2021, khi Trung Quốc nhập khẩu khoảng 80 triệu tấn.
Tính đến giữa tháng 12, châu Âu đã nhập khẩu kỷ lục 16,5 triệu tấn LNG của Nga, cao hơn mức nhập khẩu 15,18 triệu tấn của năm ngoái, theo nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler. Con số này cũng cao hơn mức kỷ lục trước đó là 15,21 triệu tấn nhập khẩu vào năm 2022.
"Những gì chúng ta thấy trong năm nay thật đáng ngạc nhiên", Ana Maria Jaller-Makarewicz, nhà phân tích tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính cho biết.
"Thay vì giảm dần lượng LNG nhập khẩu của Nga, lượng nhập khẩu khí siêu lạnh lại tăng mạnh", bà nhấn mạnh.
Sau xung đột ở Ukraine vào năm 2022, EU đã đặt mục tiêu ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga cho đến năm 2027, nhưng các lô hàng khí siêu lạnh đến các cảng châu Âu lại liên tục tăng.
Không giống như nhập khẩu khí đốt qua đường ống đã giảm xuống mức "nhỏ giọt", dầu và than của Nga, vốn bị cấm ở EU, nhập khẩu LNG của Nga vẫn được phép xuất khẩu và tăng mạnh, Jaller-Makarewicz cho biết.
An Mai (Theo Bloomberg/FT)Giá xăng đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (9/1), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.