Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26,72%

Xuất nhập khẩu
09:23 AM 27/10/2024

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/10, xuất khẩu nhóm hàng máy tính điện tử và linh kiện đạt 55,29 tỷ USD (tăng 11,67 tỷ USD), tương ứng tăng 26,72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những năm qua, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp điện tử hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, tivi, máy giặt, điện thoại, máy in…

Các sản phẩm máy vi tính và linh kiện điện tử ngày càng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cơ cấu xuất khẩu sản phẩm điện tử có sự chuyển biến tích cực, trong đó tỷ trọng nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm có xu hướng ngày càng tăng.

Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26,72%- Ảnh 1.

Xuất khẩu nhóm hàng máy tính điện tử và linh kiện dần khởi sắc. Ảnh: Int

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/10, xuất khẩu nhóm hàng máy tính điện tử và linh kiện đạt 55,29 tỷ USD (tăng 11,67 tỷ USD), tương ứng tăng 26,72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng máy tính điện tử và linh kiện là nhóm hàng đạt kim ngạch lớn nhất khi chiếm 17,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước tính đến hết tháng 9/2024.

Cập nhật của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 9, có 8 thị trường chính xuất khẩu máy tính điện tử và linh kiện của Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ, Áo, Nhật Bản.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu dẫn đầu với gần 17,32 tỷ USD, tăng mạnh 46,5% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 32,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; Trung Quốc đạt gần 9,1 tỷ USD, chiếm 17,2%, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 6,13 tỷ USD, chiếm 11,6%, giảm 68,7%; thị trường Hàn Quốc đạt trên 4,03 tỷ USD, chiếm 7,6%, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường Hà Lan đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 4,48%, tăng 36,09%. Thị trường Ấn Độ đạt 1,18 tỷ USD, chiếm 2,25%, giảm 18,27%. Thị trường Nhật Bản đạt 1,05 tỷ USD, chiếm 1,99%, tăng 36,46%.

Ở chiều ngược lại, cũng theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 10 (ngày 1-15/10), cả nước chi hơn 4,3 tỷ USD nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/10, cả nước chi 83,46 tỷ USD nhập khẩu nhóm hàng trên. Bình quân mỗi ngày Việt Nam chi khoảng 293 triệu USD nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất khi chiếm đến 28,32% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

So với cùng kỳ 2023, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng trên tăng 16,82 tỷ USD, tương đương tăng trưởng 25,24%. Về thị trường nhập khẩu, 3 cái tên dẫn đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Ngành da giày tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do Ngành da giày tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do

Xuất khẩu ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, nhất là các khối thị trường EVFTA, CPTPP. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành đến hết năm 2024 ước đạt 26-27 tỷ USD.