Xuất khẩu ngành da giày hướng tới mốc 29 tỷ USD năm 2025
Bước sang năm 2025, ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, nâng kim ngạch lên khoảng 29 tỷ USD. Các dự báo cho thấy đơn hàng có xu hướng duy trì ổn định.
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 về sản xuất giày dép sau Trung Quốc, Ấn Độ với 1,4 tỷ đôi nhưng là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu các mặt hàng này.
Năm 2024, ngành da giày Việt Nam xuất khẩu 26,8 tỷ USD, trong đó, giày dép đạt 22,5 tỷ USD; túi xách đạt 4,3 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều hàng giày dép và túi xách nhất của Việt Nam với trên 8,232 tỷ USD và trên 1,762 tỷ USD. Tiếp đến là EU trên 6,478 tỷ USD và trên 883 triệu USD.
Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng ghi nhận giá trị nhập khẩu lớn. Với giày dép, Trung Quốc đạt trên 1,90 tỷ USD; Nhật Bản đạt hơn 1,04 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 645 triệu USD. Với túi xách, Nhật Bản nhập khẩu hơn 315 triệu USD, trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc đạt mức tương tự, khoảng 150 triệu USD.
Theo các chuyên gia, ngành da giày và túi xách Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, xuất khẩu da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn bởi xu hướng “xanh hóa” trên thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.
Năm 2025, ngành da giày Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD. Dự báo, đơn hàng có khả năng ổn định. Theo định hướng phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam, đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách dự kiến đạt 38 - 40 tỷ USD.
Việt Nam vốn sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh trong ngành da giày, từ lực lượng lao động dồi dào đến chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, để đáp ứng xu hướng “xanh hóa” và các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần nỗ lực đáp ứng các yêu cầu mới từ thị trường, đồng thời giải quyết thách thức như chi phí logistics gia tăng và đẩy mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn từ cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế, giúp tiếp cận nguồn năng lượng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Huyền My (t/h)Năm 2024, thương mại điện tử đã vượt mốc 25 tỷ USD. Cùng với những động lực tăng trưởng mới, dự báo thị trường này sẽ vượt 31 tỷ USD trong năm 2025.