Xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ đạt gần 36 triệu USD
Kim ngạch xuất khẩu các loại nhuyễn thể có vỏ sang các nước trong 5 tháng đầu năm đạt gần 36 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết, trong tháng 5/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 17,7 triệu USD nhuyễn thể có vỏ, tăng 10,6% so với tháng trước đó. Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam đạt gần 36 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, xuất khẩu sò điệp tăng 42%, hàu tăng 31%, nghêu và ốc lần lượt ghi nhận mức tăng 18% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất nghêu, sò sang Trung Quốc với giá trị 2,7 triệu USD, tăng đột biến 119 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Các loài nhuyễn thể khác dạng sống, tươi hoặc ướp lạnh cũng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh, đạt hơn 5 triệu USD, thêm gần 82 lần so với cùng kỳ.
Tỷ trọng xuất khẩu nghêu sò của Việt Nam sang nước này tăng nhanh trong thời gian qua, từ 0,2% năm ngoái lên mức 19,1% vào tháng 5 năm nay.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu mặt hàng này đang được thúc đẩy nhờ nhu cầu tăng về loại thuỷ sản hai mảnh vỏ như một nguồn thực phẩm nguyên vẹn. Hiệp hội này đánh giá nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này sẽ ngày càng cao, với điều kiện doanh nghiệp có đủ nguyên liệu.
Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ như nghêu, hàu, ốc, và sò điệp. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và châu Âu.
Việt Nam đang có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm, trong đó nghêu đạt 179.000 tấn một năm. Chuỗi giá trị ngành hàng này đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.
Trong những năm gần đây, nghêu đang dần trở thành sinh kế quan trọng của người dân ven biển, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi được coi là "vựa nghêu" lớn nhất cả nước. Nhiều sản phẩm nghêu được xuất khẩu như nghêu nâu, nghêu trắng, nghêu lụa dưới dạng luộc, hấp, nguyên con.
Hiện có hơn 20 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nghêu sang thị trường EU, trong đó HASUVIMEX, Lenger Seafoods Vietnam và Minh Dang Co., Ltd là ba doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 58% tổng xuất khẩu nghêu của cả nước.
Minh An (t/h)Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2024, Việt Nam đón gần 17,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước và bằng 97,6% của năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.