Xuất khẩu nông lâm thủy sản cuối năm còn nhiều khó khăn

Đầu tư và Tiếp thị
12:17 PM 05/08/2021

Dịch COVID-19 diễn biến còn nhiều phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản những tháng cuối năm 2021. Dù vậy trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 28,6 tỷ USD, vẫn tăng 26,7% so với 7 tháng đầu năm 2020, toàn ngành xuất siêu 3,9 tỷ USD.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Chính phủ về khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bộ NN&PTNT những tháng cuối năm 2021 nêu rõ, dịch COVID-19 dự kiến còn nhiều phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách; việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản và nguyên - vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ NN&PTNT, sang tháng 8/2021, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. 

Trong khi đó, hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế, thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản cuối năm còn nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng trưởng dù còn rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với 7 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 12,2 tỷ USD, tăng 15,1%; lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54,0%; thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16,0%.

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng. Trong đó, cao su, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu cao su tăng 33,6% về lượng và tăng 73,6% về giá trị; xuất khẩu hạt điều tăng 21,4% về khối lượng và tăng 14% về giá trị; xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn tăng 10,3% về khối lượng và 24,1% về giá trị. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 182 nghìn tấn, giảm 1,3%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 599 triệu USD, tăng 49,8%).

Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Sản phẩm chăn nuôi (tăng 16,0%), cá tra (tăng 18,2%), tôm (tăng 12,0%); sản phẩm gỗ (tăng 63,9%), mây, tre, cói thảm (tăng 68,1%); quế (tăng 36,6%).

Giá xuất khẩu bình quân 7 tháng nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng: Hồ tiêu đạt 3.292,9 USD/tấn (tăng 51,8%), cao su đạt 1.677,4 USD/tấn (tăng 30,0%), gạo đạt 541,5 USD/tấn (tăng 11,2%), cà phê đạt 1.840 USD/tấn (tăng 8,3%), sắn đạt 255,3 USD/tấn (tăng 14,1%), chè đạt 1.655,3 USD/tấn (tăng 4,4%).

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 8,2 tỷ USD (chiếm 28,9% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 72,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 5,5 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 26,9% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này; tiếp đến là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 6,8%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,2 tỷ USD (chiếm 4,3%).

Ở chiều ngược lại, 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 24,7 tỷ USD, tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2020. Campuchia là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 10,8% thị phần (trong đó điều chiếm 75,4% giá trị); Hoa Kỳ đứng thứ 2 và đạt trên 2,4 tỷ USD, chiếm 9,7% (mặt hàng bông chiếm tỷ trọng 35,1%).

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với ngành nông lâm thủy sản những tháng cuối năm, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản phù hợp với tình hình hiện nay, không để xảy ra cung vượt cầu, đồng thời đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.