Xuất khẩu nông lâm thủy sản hướng tới kỷ lục mới
Các chuyên gia cho rằng, năm 2004 sẽ tạo ra “sức bật” mạnh mẽ hơn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đưa ngành này hướng tới những kỷ lục mới…
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt 53,01 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu 54 tỷ USD đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, xuất siêu lại lập kỷ lục với 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm 2022, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Trong đó, nhóm ngành nông sản có mức đóng góp ấn tượng, đặc biệt từ mặt hàng rau quả và gạo…
Bên cạnh rau quả và gạo, một số mặt hàng nông sản khác cũng có mức tăng trưởng cao, như hạt điều đạt 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê đạt 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%... Kết quả này đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành nông sản năm 2023 đạt 26,4 tỷ USD, tăng trên 17% so với năm 2022.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 tuy không đạt được mục tiêu đặt ra hồi đầu năm, nhưng sự suy giảm trong năm 2023 có thể xem như là một năm “điều chỉnh” để tạo sức bật tăng trưởng cho những năm tới.
Dựa trên phân tích những yếu tố thuận lợi và khó khăn của kinh tế thế giới cũng như trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho năm 2024 là 55 tỷ USD.
Cùng với thủy sản, nhiều loại nông sản cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024, như: cà phê, lúa gạo, rau quả, tôm…
Các mặt hàng sắn, điều, tiêu cũng đang “sáng sủa” trở lại. Đặc biệt với ngành hàng cà phê, giá bán trong nước và trên thế giới đều đang ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Dự báo cà phê sẽ lập kỷ lục kim ngạch đạt 4,5 - 5 tỷ USD trong năm 2024. Như vậy, triển vọng lĩnh vực nông nghiệp sẽ có 3 sản phẩm (không tính gỗ và sản phẩm gỗ thuộc về lâm sản) có thể vào câu lạc bộ 5 tỷ USD ngay trong năm 2024, gồm rau quả, gạo, cà phê. Ngoài ra, ngành hàng tôm cũng sẽ đạt tới mốc này trong tương lai...
Tuy vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn như hạ tầng yếu kém, thiên tai dịch bệnh, khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực của chế biến, truy xuất nguồn gốc mới ở bước khởi đầu, chế biến sâu vẫn cần chú trọng,…
Ngoài ra, mặc dù có lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng để xây dựng thương hiệu, giá trị gia tăng cho nông sản, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, tăng cao năng suất, chất lượng.
Về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, song song với duy trì các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, liên minh châu Âu (EU), Bộ NNPTNT phấn đấu mở cửa những thị trường mới, còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi… Đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng nông nghiệp liên kết, hợp tác thiết lập chuỗi logistics nông sản, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh nhằm giảm chi phí logistics, gia tăng giá trị hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu; huy động, khuyến khích các thành viên tham gia thực hiện các chuỗi cung ứng nông sản và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống logistics nông sản từ vùng nguyên liệu tới thị trường tiêu thụ.
An Mai (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.