Xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về 43,08 tỷ USD sau 10 tháng
Sau khi giảm sâu vào những tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang tăng tốc hồi phục ấn tượng. Tính đến hết tháng 10, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 43,08 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa cho biết, trong tháng 10 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhóm hàng nông sản ước đạt 2,47 tỷ USD, tăng 31,1% so với tháng 10/2022; chăn nuôi ước đạt 40 triệu USD, tăng 6%; lâm sản ước đạt 1,28 tỷ USD, giảm 0,2%; thủy sản ước đạt 850 triệu USD, giảm 5,9%; đầu vào sản xuất ước đạt 162 triệu USD, giảm 12,3%.
Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu của cả ngành ước đạt 43,08 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số ngược dòng ấn tượng, thể hiện nỗ lực của ngành nông nghiệp khi có thời điểm kim ngạch xuất khẩu giảm sâu ở mức hai con số.
Theo Bộ NN&PTNT, đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành, nhóm thuỷ sản đạt 7,45 tỷ USD, giảm 20,5%; lâm sản 11,65 tỷ USD, giảm 19,3%; đầu vào sản xuất 1,64 tỷ USD, giảm 20,3%.
Đáng chú ý, nhóm nông sản đạt gần 22 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước. Trong đó, các mặt hàng rau quả đạt 4,9 tỷ USD, tăng gần 80%; gạo đạt gần 4 tỷ USD, tăng khoảng 35%; hạt điều gần 3 tỷ USD, tăng khoảng 15% và sản phẩm chăn nuôi 402 triệu USD, tăng 22%.
Về giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính 10 tháng đầu năm 2023 như sau: Giá cao su xuất khẩu ước đạt 1.330 USD/tấn, giảm 17,3%; giá chè xuất khẩu 1.710 USD/tấn, tăng 6,3%; giá hạt điều xuất khẩu ước đạt 5.693 USD/tấn, giảm 5%; giá hồ tiêu xuất khẩu ước đạt 3.339 USD/tấn, giảm 23,4%; giá xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn 425 USD/tấn, giảm 3,3%...
Riêng giá gạo xuất khẩu ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% và cà phê 2.527 USD/tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tháng 11, việc triển khai xuống giống vụ lúa Đông Xuân tại ĐBSCL và chuẩn bị thu hoạch cà phê Tây Nguyên sẽ là cơ sở để nhóm hàng nông sản có thêm cơ hội xuất khẩu. 10 tháng đầu năm nay, nhóm hàng này đã đạt gần 22 tỷ USD.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đến thời điểm này ngành nông nghiệp tự tin đạt mục tiêu 53-54 tỷ USD, bằng với con số kỷ lục của năm ngoái.
Trong hai tháng cuối năm, để đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ NN&PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, liên minh kinh tế Á - Âu...
Bộ cũng phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các các FTAs, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới, kết nối tiêu thụ một số mặt hàng có sản lượng lớn khi vào vụ thu hoạch như vải, mít, chôm chôm, thanh long, chanh..
Huyền My (t/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.