Xuất khẩu nông sản: Khai thác thời cơ, tạo đà tăng trưởng
Dù gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được khống chế ở nhiều quốc gia, song nông sản Việt Nam vẫn khẳng định được ưu thế, tạo dấu ấn mới trong xuất khẩu. Đặc biệt, Việt Nam đang tập trung cao độ cho việc khai thác thời cơ, tạo đà tăng trưởng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu điều Việt Hà (Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - HAPRO). Ảnh: Sinh Vũ
Những tín hiệu tích cực
Dịch Covid-19 diễn ra tại nhiều quốc gia đã tác động mạnh đến tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tính riêng 6 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Khó khăn vẫn ở phía trước, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc - thị trường lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, cà phê, hạt điều và gạo vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Đối với mặt hàng trái cây, quả vải tươi liên tiếp có hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Australia. Cụ thể, ngày 19/6, những lô vải thiều u hồng đầu tiên của Việt Nam đã đến với thị trường Australia và được người tiêu dùng đón nhận. Mới đây nhất, lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với mẫu mã, chất lượng tốt đã được phân phối tại hệ thống siêu thị của nước này.
Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình cung cầu nông sản trong nước và quốc tế; dự báo động thái của các nước xuất khẩu, nhập khẩu nông sản trên thế giới cũng như diễn biến dịch bệnh. Từ đó, triển khai các giải pháp kịp thời ứng phó với những thay đổi, phù hợp với tình hình ổn định mới trong bối cảnh dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Thủy sản - một thế mạnh xuất khẩu khác của ngành nông nghiệp cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Ðình Hòe, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản đã tăng 12,5% trong tháng 6. Với đà tăng trưởng đó, Nhật Bản sẽ là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020.
Đáng chú ý, EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 tới sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam khi các thị trường này bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng. Hiệp định tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh (thủy sản, rau quả, gạo, điều, cà phê, hồ tiêu…). Đơn cử, cà phê xuất khẩu sang EU đang phải chịu thuế 7,5 - 11,5% nhưng ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu cà phê từ Việt Nam và EU sẽ được xóa bỏ hoàn toàn. Hay mặt hàng thủy sản, hiện phần lớn thuế suất cơ sở nhập khẩu vào EU từ 6 - 22%, sau khi EVFTA có hiệu lực, 50% số dòng thuế sẽ được cắt bỏ ngay, 50% dòng thuế còn lại xóa bỏ sau từ 3 - 7 năm.
Nâng cao năng lực chế biến
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu. Trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa hoàn toàn khống chế được dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này sẽ tăng cao trong thời gian tới. Đây là cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để giải quyết những bất cập phát sinh từ thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh như: Gạo, thủy sản, trái cây… trong đó, tập trung vào các sản phẩm chế biến.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nâng cao năng lực chế biến là giải pháp tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh để nông sản Việt Nam duy trì tăng trưởng. Riêng thị trường Trung Quốc, các DN cần tập trung vào khâu chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn này. Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần theo sát tình tình xuất khẩu qua biên giới để giải quyết các vấn đề phát sinh, từng bước tái cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu theo hướng bền vững.
Nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác hiệu quả EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, sắp tới Bộ sẽ xây dựng và giới thiệu sàn thương mại điện tử với EU để đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ đang gấp rút hoàn thiện Đề án xuất khẩu nông sản để trình Chính phủ, trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn về cơ chế, chính sách hiện nay. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ DN xây dựng các dự án tổ hợp chế biến nông sản để có ít nhất 4 nhà máy chế biến lớn được khánh thành trong nửa cuối năm 2020.
Ánh NgọcĐó là nhận định của TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng đi đột phá để đảo Cát Bà thực sự vươn tầm thế giới, trở thành “hình mẫu” cho các nơi khác.