Xuất khẩu nông sản phấn đấu đạt mục tiêu 55 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
03:37 PM 04/07/2022

6 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng nông sản có giá trị tăng trưởng cao, dần chuyển dịch sang các thị trường lớn, tiềm năng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu đến cuối năm sẽ đạt khoảng 55 tỷ USD, cao hơn mức Chính phủ giao 5 tỷ USD.

9 sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản cả nước đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. 9 sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD, gồm: Cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và đầu vào phục vụ sản xuất. 

Trong đó, cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, cao su tăng 9,2% khối lượng và 12,2% giá trị; cà phê tăng 21,7% khối lượng và 49,7% giá trị; gạo tăng 16,2% khối lượng và 4,6% giá trị; sắn, sản phẩm từ sắn tăng 13,2% khối lượng và 28% giá trị.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Hà Nội Mới

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Hà Nội Mới

Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 125 nghìn tấn, giảm 19,1%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 40,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 566 triệu USD, tăng 14,0%). Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng tăng như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,49 tỷ USD (tăng 2,8%), mây, tre, cói thảm 481 triệu USD (tăng 8,2%).

Về mặt hàng nằm trong nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 8,1 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng xuất khẩu tới cuối năm 2022. 

Cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, rau, quả cũng đang đón nhận nhiều đơn hàng lớn, xuất khẩu có sự tăng trưởng vượt bậc. Liên minh châu Âu (EU) đang là thị trường tiềm năng rất lớn đối với rau, quả Việt Nam, nhất là sản phẩm có thế mạnh như: Chôm chôm, thanh long, dưa, dứa, nhãn, vải… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung cho sản phẩm chế biến, khai thác đa dạng các khối thị trường...

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu).  Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, với kim ngạch khoảng 4,97 tỷ USD, tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu.

Mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 55 tỷ USD liệu có quá sức?

Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu, năm 2022, xuất khẩu nông sản phấn đấu cán đích con số 55 tỷ USD (cao hơn nhiệm vụ Chính phủ giao 5 tỷ USD). 

Tuy nhiên, tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và Triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong ngành nông lâm ngư nghiệp. Đó là, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế. Những khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài; bên cạnh đó giá thức ăn chăn, phân bón... tăng cao.

Khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao, trong khi giá sản phẩm nông sản có tăng nhưng thấp hơn đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất. Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp chưa nhiều khi phải thực hiện theo hình thức trực tuyến.

"Có thời điểm vẫn tái diễn tình trạng ùn ứ phương tiện xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc, gây nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bà con nông dân", Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, đồng thời cũng lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, cả về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối. Bên cạnh đó, giá vật tư xây dựng tăng ở mức cao đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các dự án", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Xuất khẩu nông sản hướng tới mục tiêu 55 tỷ USD

Xuất khẩu nông sản hướng tới mục tiêu 55 tỷ USD

Vượt thử thách, hướng tới con số 55 tỷ USD

Trước loạt khó khăn, thử thách, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để đạt mục tiêu trên, Bộ thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực có triển vọng và khả năng tăng giá trị cao để bù cho những sản phẩm có thể không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Cụ thể, nông sản chính 25 tỷ USD; Lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; Thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Chánh Phương cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… về thuế, phí để tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác.

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngoài những giải pháp về thị trường, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm nghiêm ngặt các quy định liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời mở rộng khai thác nhiều nhóm hàng khác. 

Về phía Bộ NN&PTNT, cùng với các mặt hàng, nhóm hàng đang phát triển đã có thị trường tiêu thụ ổn định, Bộ tiếp tục đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, triển khai nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi tới Mỹ.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục phối hợp với đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp Việt Nam tại các nước để xây dựng kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu; tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với hoạt động ngoại giao của Chính phủ, các bộ, ngành khác, tạo cơ sở cho nông sản Việt Nam xuất khẩu bền vững, khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

Đồng thời, phải đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, nền nông nghiệp số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả. Cần tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, rút; ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, cắt giảm phí và lệ phí; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.