Xuất khẩu ớt của Việt Nam đạt hơn 21,2 triệu USD trong 8 tháng

Xuất nhập khẩu
08:42 AM 10/09/2024

Không chỉ biết đến là một loại quả gia vị có vị cay đặc trưng, quả ớt còn là một loại quả tiền tỷ khi thu về hàng chục triệu USD mỗi năm.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong 8 tháng đạt 8.800 tấn với kim ngạch đạt hơn 21,2 triệu USD, tăng 6,1% về lượng và tăng mạnh 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu ớt của Việt Nam đạt hơn 21,2 triệu USD trong 8 tháng- Ảnh 1.

Các thị trường xuất khẩu chủ đạo là Trung Quốc với 7.377 tấn, chiếm 83,8% tuy nhiên giảm 0,2% so với cùng kỳ; Lào đứng thứ 2 với 970 tấn, tăng 48% so với 8 tháng/2023; đứng thứ 3 là Mỹ đồng thời là thị trường xuất khẩu tăng mạnh nhất với 163 tấn, tăng 143,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc giữ vai trò là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng ớt trong những năm gần đây. Đặc biệt, sản phẩm ớt tươi của Việt Nam vừa chính thức được cơ quan chức năng Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước này.

Trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt các hoạt động kiểm dịch xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là tại các cửa khẩu ở khu vực biên giới để phòng, chống dịch COVID-19, việc nghiên cứu, đáp ứng các quy định mới để được cấp mã xuất khẩu chính ngạch, được coi là hướng đi tất yếu để khai thác tốt thị trường tiêu dùng Trung Quốc.

Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất ớt lớn nhất thế giới. Ớt là loại quả mang lại hiệu quả kinh tế cao vì có thể trồng xen với cây ăn quả và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, phù hợp với điều kiện canh tác của người nông dân trên khắp cả nước.

Thông thường, ớt sẽ được xuống giống cây vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Cây ớt sau 2 tháng trồng bắt đầu cho thu hoạch từ 3 đến 4 đợt trong khoảng 3 tháng, chất lượng quả cao nhất với trọng lượng lý tưởng có thể lên đến 4 kg mỗi cây.

Ớt được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long với tổng diện tích trên 7.000ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Tại Tây Nguyên, diện tích trồng ớt đạt khoảng 4.000 - 5.000ha với sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm.. 

Trong đó, cây ớt ở Đồng Tháp và đặc biệt là ở huyện Thanh Bình được coi là “vựa ớt lớn nhất miền Tây”. Các xã vùng cù lao và các xã vùng ven sông Tiền là những khu vực tập trung nhiều diện tích trồng ớt. Sản lượng ớt tươi hơn 22.500 tấn/năm. Theo thống kê, diện tích trồng ớt ở tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 2.000 ha/năm, năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha

Bên cạnh đó, một “thủ phủ” ớt khác của Việt Nam là Lạng Sơn. Tại địa phương này, cây ớt được trồng chủ yếu ở các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan... Các giống ớt truyền thống trước đây đã được thay bằng giống ớt cao sản, năng suất bình quân đạt khoảng 300 đến 500 kg/sào.


An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.